3 thay đổi ở tai báo hiệu triệu chứng của tiểu đường loại 2
Cập nhật lúc 12:27, Thứ ba, 22/10/2024 (GMT+7)
Bệnh tiểu đường loại 2 khiến lượng đường trong máu của người mắc tăng cao. Dấu hiệu của tình trạng này là thường hay khát nước, đi tiểu thường xuyên và mệt mỏi. Không những vậy, bệnh còn xuất hiện một số bất thường ở tai.
Tiểu đường loại 2 chủ yếu xuất hiện ở người trên 40 tuổi. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều người ở độ tuổi trẻ hơn vẫn được chẩn đoán mắc tiểu đường. Việc phát hiện và kiểm soát bệnh là vô cùng quan trọng, giúp ngăn ngừa tổn thương mạch máu, dây thần kinh và các cơ quan quan trọng khác, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Những thay đổi ở tai có thể là dấu hiệu cảnh báo tiểu đường gồm:
Viêm tai tái phát
Có nhiều nguyên nhân gây viêm tai và một trong số đó là do tiểu đường loại 2. Đường huyết tăng cao trong thời gian dài sẽ làm tổn thương các mạch máu ở tai trong, ảnh hưởng đến lưu thông máu và tín hiệu thần kinh đến tai.
Hệ quả của tình trạng này là làm giảm khả năng miễn dịch của tai, khiến tai dễ bị viêm nhiễm và tái đi tái lại. Viêm tai kéo dài và chậm điều trị có thể cần can thiệp bằng phẫu thuật. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tuân theo một số khuyến cáo để ngăn ngừa viêm tai, chẳng hạn như không nhét tăm bông vào tai và sử dụng nút tai khi bơi.
Ù tai
Ù tai không phải là triệu chứng thường gặp của tiểu đường loại 2. Tuy nhiên, lượng đường trong máu cao có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này. Nguyên nhân là do đường huyết cao đã tác động xấu đến ốc tai, dẫn đến tai bị ù.
Ù tai là tình trạng mà người mắc nghe những âm thanh tựa như tiếng vo ve, tiếng rít, hay tiếng huýt sáo dù môi trường bên ngoài không có âm thanh này. Ngoài ra, ù tai còn có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe khác như chấn thương hay viêm tai.
Suy giảm thính lực
Suy giảm thính lực là hệ quả thường gặp của quá trình lão hóa. Người già sẽ có nguy cơ cao mắc tình trạng này. Tuy nhiên, suy giảm thính lực còn có thể gây ra do nhiều vấn đề sức khỏe khác, trong đó có tiểu đường loại 2.
Suy giảm thính lực thường diễn tiến chậm nên rất khó phát hiện. Tuy nhiên, nếu một người thường xuyên không nghe rõ người khác nói gì, phải tăng âm lượng khi nghe nhạc, xem phim thì đó là dấu hiệu của suy giảm thính lực và cần đi khám, theo Healthline.
Theo Thanh niên