Minh họa

Ý thức là yếu tố quan trọng nhất

Trong cơ chế điều khiển cảm giác no đói, hormon đóng vai trò chủ đạo. Một mặt là insulin, hormon do tuyến tụy tạo ra khi chúng ta đã ăn no, cùng những hợp chất khác được sản xuất trong hệ tiêu hóa. Mặt khác, là các chất dẫn truyền thần kinh, tức các hormon xuất hiện trong hệ thần kinh, như adrenalin. Sự hiện diện của adrenalin khiến chúng ta không có cảm giác đói bụng, nó cũng xuất hiện khi chúng ta si tình hoặc căng thẳng vì lý do nào đó.

Tất cả những hợp chất trên tác động đến hoạt động của não bộ theo cách mà phần nhiều chúng ta không nhận biết được. Tuy nhiên hoàn toàn có thể tận dụng hiệu quả chính cơ chế này trong cuộc chiến chống béo phì, thừa cân. Ngày nay, các nhà khoa đều nhất trí cho rằng, ý thức là yếu tố quan trọng nhất trong nỗ lực giảm béo, giảm cân.

Lối sống là vấn đề then chốt

Đến nay người ta vẫn chưa biết rõ nguyên nhân đại dịch béo phì. Một trong nhiều giả thiết cho rằng, đơn giản vì chúng ta lười vận động. Tổ tiên chúng ta lao động chân tay vất vả hơn nhiều và hàng ngày đi bộ nhiều hơn, vì thế tự nhiên cơ thể tiền nhân “đốt cháy” năng lượng hiệu quả hơn. Kết quả những công trình nghiên cứu như Nurses’ Health Study cho thấy, thói quen xem tivi 2 giờ/ngày tăng 23% nguy cơ phát triển béo phì, trái lại đi bộ tốc độ nhanh 1 giờ/ngày giảm 24% nguy cơ béo phì. Nguy cơ béo phì tăng thậm chí vì lý do chúng ta có cơ hội thụ hưởng cảm giác thoải mái nhờ vận hành hệ thống máy điều hòa nhiệt độ vào mùa hè và sưởi ấm nhân tạo vào mùa đông. Bởi môi trường sống dễ chịu khiến cơ thể cắt giảm đáng kể năng lượng tự điều hòa thân nhiệt và nguy cơ béo phì tăng nhờ khoản năng lượng dư thừa.

Tuy nhiên, khi GS. John Speakman thuộc Đại học Aberdeen (Vương quốc Anh) và GS. Klass Westerterp (Đại học Maastricht, Hà Lan) nghiên cứu 800 tình nguyện viên bất kỳ, kết quả cho thấy, chỉ số năng lượng người dân châu Âu sử dụng cho hoạt động thể chất kể từ năm 1982 giảm thiểu không đáng kể so với vài thập kỷ trước. Như vậy, cho dù chúng ta không lười vận động thể chất, song vẫn có nhiều người béo phì, điều đó chứng tỏ, thủ phạm béo phì nằm ở chỗ khác.

Chúng ta ăn quá nhiều không chỉ về phương diện số lượng thức ăn, mà cả chất lượng bữa ăn quá giàu calori. Bột mỳ (hoặc gạo) trắng, các chất béo động vật, sự hiện diện đường trong nhiều món ăn và đồ uống, rượu bia - chúng ta tiêu hóa tất cả và nhanh chóng, cung cấp cho cơ thể khối lượng khổng lồ năng lượng, để rồi sau đó, bộ phận đáng kể được “lưu kho” ở dạng mô mỡ.

Tái lập trình não bộ, giúp giảm béo hiệu quả trên 70%

Giải pháp giảm béo dễ hơn và hiệu quả hơn có thể là sự thay đổi thói quen tư duy, nỗ lực được các bác sĩ tâm lý trị liệu gọi là tái lập trình não bộ. BS. Paul McKenna, chuyên gia về thôi miên và lập trình ngôn ngữ thần kinh, Vương quốc Anh cho biết: “Trí tuệ của bạn hoạt động theo cơ chế giống như chiếc máy tính - có chương trình riêng, nhờ nó, bạn có thể sắp xếp những suy nghĩ của bản thân và làm chủ hành vi của mình. Thế nên, bạn béo phì hoặc thừa cân muốn giảm béo, chỉ cần tái lập trình não bộ”.

Nền tảng liệu pháp giảm béo của BS. McKenna bao gồm 4 nguyên tắc: Ăn bất kỳ lúc nào khi cảm thấy đói bụng; ăn theo sở thích khoái khẩu. Tuy nhiên ở nguyên tắc thứ 3 mang đến yếu tố mới lạ - cần ăn một cách có ý thức, chậm và thư thái tận hưởng hương vị tuyệt vời từng thành phần đưa vào miệng, nhai kỹ mỗi miếng ăn tối thiểu 20 lần. Đã ngồi vào mâm cơm dứt khoát phải vui vẻ, thoải mái, tuyệt đối không được phép vội vàng, không được phép vừa ăn vừa xem tivi (hoặc đọc sách báo, “buôn chuyện” qua điện thoại…), không được uống rượu. Ăn với tâm thế như vậy, vào thời điểm nhất định, não sẽ nhận được tín hiệu “đã no bụng” và chúng ta sẽ áp dụng nguyên tắc thứ 4 dễ hơn: Lập tức rời khỏi mâm cơm, khi đã nạp đủ năng lượng.

Thói quen thực dưỡng mới, đơn giản, liệu có chắc chắn phát huy tác dụng? “Không có gì lăn tăn, bạn hãy khẩn trương áp dụng chỉ dẫn của tôi” - BS. Paul McKenna tự tin thuyết phục. Nhờ tái lập “phần mềm não bộ”, chương trình giảm béo của nhà khoa học Anh có thể mang lại hiệu quả trên 70%, trong khi đa số chế độ thực đơn giảm béo hiếm khi vượt ngưỡng hiệu quả 10%!

Theo Sức khỏe và đời sống