Phụ huynh Trung Quốc đang tìm đến các bài xét nghiệm DNA để tìm hiểu liệu con họ có phải thần đồng - Ảnh: AFP

Nhiều tháng sau khi con gái chào đời vào năm 2017, Chris Jung đã mua gói kiểm tra DNA cho con tại một phòng xét nghiệm Hong Kong. Jung nói với Bloomberg rằng bản thân kỳ vọng con mình sẽ trở thành một giáo sư thành danh hoặc bác sĩ.

Thế nhưng kế hoạch của Jung đã thay đổi sau khi Gene Discovery đưa ra bài phân tích cho thấy con gái của anh có năng khiếu về âm nhạc, toán học và thể thao, nhưng khả năng ghi nhớ chi tiết lại rất kém.

Từ đó, Jung quyết dốc toàn lực đầu tư cho tài năng của con và hướng con tránh xa những ngành nghề đòi hỏi phải ghi nhớ quá nhiều.

"Trước đây tôi muốn con trở thành bác sĩ hay luật sư. Nhưng sau khi đọc kết quả và thấy con có trí nhớ kém, tôi đã thay đổi kỳ vọng. Vì nếu tôi muốn con mình trở thành một chuyên gia, con bé sẽ phải học và ghi nhớ rất nhiều thứ", Jung cho biết.

Theo Bloomberg, trang của Gene Discovery thông báo giá cho bài xét nghiệm trên là 575 USD, bao gồm cả gói kiểm tra thiên tài "i-Genius" dành cho em bé.

Các bài xét nghiệm hứa hẹn giúp phụ huynh khám phá tiềm năng của con, về cả trí tuệ lẫn cảm xúc - Ảnh: BLOOMBERG

Không chỉ có Jung, rất nhiều cha mẹ khác tại Trung Quốc đang tìm đến những bài xét nghiệm DNA để khám phá tiềm năng của con mình.

Với 15 triệu đứa trẻ ra đời vào năm ngoái tại Trung Quốc, thị trường cho loại dịch vụ này vô cùng béo bở. Truyền thống Trung Quốc vốn xem trọng việc phát triển thế hệ tương lai. Sự phát triển khoa học công nghệ tại đây vừa vặn kết hợp với yếu tố này để tạo nên "cơn khát" dành cho các bài thử DNA, theo ông Wang Zhaochen - giảng viên về đạo đức sinh học tại ĐH Chiết Giang.

Sau khi chính sách kiểm soát dân số nghiêm ngặt được Bắc Kinh bãi bỏ vào năm 2016, đa số các gia đình tại Trung Quốc vẫn chỉ có một con. Đứa trẻ vì thế được cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng.

"Xét nghiệm DNA có thể là một trong những kim chỉ nam và động lực, nhờ đó phụ huynh có thể tập trung nguồn lực cho con em mình", Jung cho biết.

Tuy nhiên, nhiều người trong giới chuyên gia cho rằng các xét nghiệm này thường không có cơ sở khoa học vững chắc mà thường chỉ là những nghiên cứu ban đầu, chưa cụ thể.

"Không có cơ sở để bạn khẳng định những điều đó một cách chắc chắn", ông Gil McVean - chuyên gia về di truyền học của ĐH Oxford (Mỹ) - khẳng định.

DNA là phân tử mang thông tin di truyền dưới dạng bộ ba mã di truyền quy định mọi hoạt động sống của các sinh vật. Đối với con người, DNA góp phần xây dựng việc ta là ai. 

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu về bộ mã gene này. Trải nghiệm và môi trường sống của mỗi cá nhân đều đóng góp lớn vào việc hình thành cá tính một con người, dù đó là tài năng hay bệnh tật, theo Bloomberg.

Theo tuoitre