Ảnh minh họa

Ngày 6/2, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA) và Viện Nghiên cứu Phát triển hải ngoại (ODI) đã công bố nghiên cứu Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại một số tỉnh/thành phố ở Việt Nam.

Trong bài phát biểu khai mạc tại hội thảo, bà Đào Hồng Lan - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH - đánh giá cao việc chia sẻ kết quả của báo cáo này và nhấn mạnh rằng những phát hiện này cung cấp bằng chứng thực tế nhằm giúp các ngành và các địa phương xây dựng và triển khai hệ thống dịch vụ toàn diện để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ về sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên ở Việt Nam.

Theo bà Lan, có khoảng 10% dân số nước ta đang gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, tâm lý, trong đó có khoảng 200.000 người tâm thần nặng đang phải điều trị.

Trong cộng đồng, số người dân, trẻ em có biểu hiện rối nhiễu tâm trí như lo âu, trầm cảm, cảm giác bị bỏ rơi do tác động kinh tế xã hội, gia đình đang có chiều hướng gia tăng nhưng chưa được quan tâm. Dẫn chứng trường hợp nữ học sinh lớp 7 tại Hà Tĩnh tự tử trong lớp học do lo âu, buồn chán, bà Lan cho rằng nếu được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời về tâm lý, hoàn toàn có thể ngăn chặn những sự việc đau lòng tương tự.
 
Có thể nói, các vấn đề về sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội ngày càng phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là ở trẻ em và thanh niên. Hiện có 8%-29% trẻ em và vị thành niên Việt Nam gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng theo nghiên cứu mới của UNICEF, MOLISA và ODI, các dịch vụ chăm sóc và ứng phó tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tâm thần. Việc thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần đặc biệt nghiêm trọng ở các tỉnh vùng sâu vùng xa. Điều này dẫn tới việc không ngăn ngừa được tình trạng tự tử vì những người có biểu hiện rối loạn về sức khỏe tâm thần không được điều trị  - và đây vốn là nguyên nhân chính dẫn tới các ý định và hành động tự sát.


Ông Friday Nwaigwe, Trưởng Chương trình Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em - UNICEF Việt Nam, phát biểu: “Mọi trẻ em đều có quyền cơ bản là được sống và phát triển tối đa cũng như quyền đạt được tiêu chuẩn sức khoẻ tối ưu nhất. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần xảy ra khi còn nhỏ sẽ làm tốn nhiều chi phí ở tuổi trưởng thành. Nếu không được điều trị, những điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, thành tựu học tập và tiềm năng của các em, làm cho các em không có được cuộc sống đầy đủ và hữu ích. Trẻ em bị rối loạn tâm thần phải đối mặt với những thách thức lớn do bị kỳ thị, cô lập và phân biệt đối xử, ít có khả năng được tiếp cận với các cơ sở chăm sóc sức khoẻ và giáo dục, điều này đã vi phạm quyền cơ bản của các em."


Trẻ em chịu áp lực học hành
Mọi người ngày càng lo ngại khi tỷ lệ tự tử ở Việt Nam đang gia tăng và cần phải có hành động để giải quyết vấn đề này. Nguyên nhân dẫn đến hành vi và ý định tự tử bao gồm sự thất bại trong các mối quan hệ tình cảm, mâu thuẫn trong hôn nhân, do sự e dè trong chia sẻ cảm xúc... Những triệu chứng cơ thể: Đau đầu, chán ăn, ngủ kém, gặp ác mộng được nhiều người nhắc đến. Nguyên nhân là do áp lực học tập và riêng đối với các em gái là do căng thẳng do gánh nặng công việc gia đình. Việc lạm dụng rượu, thuốc lá, ma túy phần lớn liên hệ tới trẻ em trai, nam giới. Lạm dụng chất cũng có thể dẫn tới bạo lực và kết hôm sớm ở nhóm trẻ có cha mẹ nghiện ma túy... Những người được phỏng vấn có xu hướng cho rằng trẻ em gái nhạy cảm với vấn đề tự tử hơn trẻ em trai.



Những phát hiện từ nghiên cứu này sẽ giúp đưa ra khuyến nghị về cách giải quyết tình trạng sức khoẻ tinh thần của trẻ em và thanh niên và sẽ lồng ghép vào các chương trình cấp quốc gia hiện có như Chương trình Quốc gia về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người có bệnh tâm thần và Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Chăm sóc sức khỏe, cũng như các chương trình và khung pháp lý trong tương lai đang được lên kế hoạch bao gồm Chiến lược quốc gia về Sức khoẻ Tâm thần giai đoạn 2016-2025, với tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Phunuvietnam.vn