Thông tin được Thầy thuốc nhân dân, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến - Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội chia sẻ trong buổi tọa đàm "Bệnh mạch vành và bệnh lý tim mạch" vừa diễn ra trên VnExpress. Chương trình còn có sự tham gia của Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên - Cố vấn phẫu thuật tim, đến từ Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM.

Ngày càng nhiều người mắc bệnh tim mạch

Phó giáo sư Nguyễn Thị Bạch Yến cho biết, bệnh tim mạch thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất hiện nay. Ước tính mỗi năm có khoảng 17,9 triệu người trên toàn thế giới tử vong do các bệnh lý tim mạch, trong đó, 85% do nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

                                                                                                                                  Phó giáo sư Nguyễn Thị Bạch Yến thăm khám cho một bệnh nhân mắc bệnh tim mạch.

 

Bệnh lý tim mạch khá đa dạng, liên quan đến xơ vữa động mạch như bệnh động mạch vành tim, nhồi máu cơ tim. Bệnh động mạch vành não như tai biến mạch máu não gồm đột quỵ não do tắc mạch hoặc xuất huyết não. Ngoài ra, còn các bệnh lý khác về tim mạch như các bệnh động mạch ngoại biên gây hạn chế vận động.

Hiện số người mắc bệnh tim mạch, đứng đầu là bệnh mạch vành, tăng mạnh trong thời gian qua. Trong các bệnh lý tim mạch, có khoảng 50% bệnh nhân mắc bệnh mạch vành. Theo Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh, có 4 yếu tố chính gây xơ vữa động mạch, động mạch vành gồm tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tiểu đường và hút thuốc lá. Đặc biệt, nếu trong gia đình có bố mắc bệnh này và tử vong khi dưới 55 tuổi và người mẹ dưới 65 tuổi thì con có nguy cơ mắc bệnh càng cao.

"Năm 1970, tại bệnh viện tôi làm việc, trong khoa tim mạch chỉ 1-2 người bị mạch vành. Đến nay, khi đến bất kỳ khoa tim mạch ở bệnh viện nào cũng có khoảng 50% người mắc bệnh này", Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh cho biết.

                                                                                                                                   Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh tại buổi tọa đàm.

 

Bệnh mạch vành xảy ra do tình trạng xơ vữa, hình thành khi còn trẻ (khoảng 30 tuổi). Nếu không phát hiện và điều trị sớm, mảng xơ vữa lớn dần gây hẹp lòng động mạch vành, nếu mức độ hẹp 50-70% trở lên có thể khiến bệnh nhân đau ngực khi gắng sức.

Dấu hiệu bệnh mạch vành rất đa dạng, điển hình là tình trạng đau xương ức khi gắng sức nhưng có trường hợp chỉ đau bên phải, có người đau bên trái, có người đau ở gần dạ dày. Vì vậy, người bệnh cần thực hiện thêm các kiểm tra cận lâm sàng như siêu âm tim, điện tâm đồ gắng sức, chụp MSCT mạch vành có cản quang... để chẩn đoán bệnh chuẩn xác hơn.

Trong các bệnh lý tim mạch, tỷ lệ bệnh tim bẩm sinh có xu hướng tăng lên thời gian qua, một phần nguyên nhân do tuổi sinh đẻ ngày càng cao, tăng nguy cơ bất thường về di truyền. Ngoài ra, các yếu tố khác như môi trường, stress, ô nhiễm... cũng khiến bệnh tim bẩm sinh tăng.

Việc điều trị sớm bệnh tim bẩm sinh sẽ ít để lại hậu quả nặng nề, không chỉ ở tim mà còn ở các cơ quan bơm máu tới như phổi, gan, thận, thậm chí là sự phát triển về thể chất, trí tuệ của trẻ. Trước đây, có những khó khăn về kỹ thuật như phẫu thuật cho những trẻ cân nặng thấp có nguy cơ cao hơn, bác sĩ phải cân nhắc giữa yếu tố lợi và hại. Ngày nay, với kỹ thuật và sự hiểu biết về tuần hoàn của cơ thể, phẫu thuật càng sớm càng hiệu quả.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên, khoảng năm 1992-1993, trẻ phải đạt 15-20 kg trở lên mới đủ tiêu chuẩn mổ tim. Nhưng hiện tại, các bác sĩ Việt Nam đã có thể mổ tim sơ sinh, thậm chí có thể thực hiện ở trẻ sinh non tháng chỉ 1,5-2 kg. Trong trường hợp bệnh đơn giản sẽ được theo dõi để phẫu thuật vào thời điểm phù hợp như sáu tháng, một năm, ba tuổi, năm tuổi. Những trường hợp phức tạp phải mổ nhiều giai đoạn (giai đoạn 1, 2, 3) và cần tính toán thời điểm thích hợp. Phẫu thuật tim cần cá nhân hóa từng đối tượng để phù hợp về mọi mặt.

                                                                                                                                   Bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên cho biết phẫu thuật tim cần chú trọng tính cá nhân hóa.

 

Tầm soát bệnh tim mạch tại Việt Nam hiện đại không kém thế giới

Theo các chuyên gia, tuổi càng tăng thì dễ mắc bệnh tim mạch. Nam giới dễ mắc bệnh hơn nữ giới. Tuy nhiên, phụ nữ mãn kinh và tiền mãn kinh cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Những đối tượng này nên theo dõi chặt chẽ biểu hiện của cơ thể, tầm soát định kỳ để phát hiện và điều trị sớm. Nhịp tim của người bình thường dao động từ 60-100 chu kỳ một phút; nếu nhịp tim 60 là chậm, trên 100 là nhanh.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, khi tầm soát bệnh tim mạch, bên cạnh việc hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng, bệnh nhân có thể được chỉ định các kiểm tra cận lâm sàng cơ bản như: đo điện tâm đồ, ghi điện tim liên tục 24 giờ đến 14 ngày để phát hiện các rối loạn nhịp bất thường; siêu âm tim đánh giá cấu trúc của van tim, bất thường chức năng tim; siêu âm mạch máu khảo sát xơ vữa mạch máu; nghiệm pháp gắng sức bằng thảm lăn hay chụp MSCT mạch vành kiểm tra bất thường mạch vành; siêu âm động mạch chủ - thận và các xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan, thận, chức năng tuyến giáp,... để tìm nguyên nhân tăng huyết áp (nếu có), đánh giá tình trạng thiếu máu cơ tim...

"Những phương tiện tầm soát bệnh mạch vành kể trên ở Việt Nam không hề thua kém thế giới", Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh nói.

Thay đổi lối sống, thăm khám định kỳ giúp phòng tránh bệnh tim mạch

Bệnh lý tim mạch do xơ vữa gia tăng ở cả người trẻ, có người ngoài 30 tuổi đã mắc bệnh. Ngoài yếu tố gia đình, tình trạng xơ vữa còn có liên quan đến thói quen, lối sống không khoa học như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ít hoạt động thể lực, không tập thể dục thể thao. Bệnh dễ xảy ra với người tăng huyết áp, tiểu đường, những người trước đây có tiền sử bị tim mạch như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim rất dễ bị tái phát.

"Một điều may mắn là những bệnh này có thể phòng ngừa. Khi phát hiện, tầm soát sớm thì có thể chữa trị, ngăn ngừa các biến chứng ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, tính mạng. Mỗi người cần chủ động tầm soát sức khỏe, khi phát hiện bệnh thì tích cực điều trị", Phó giáo sư Nguyễn Thị Bạch Yến nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng chỉ ra, để phòng bệnh mạch vành và các bệnh tim mạch, mỗi người nên xây dựng lối sống lành mạnh, tập thể dục, hạn chế bia rượu, tránh xa thuốc lá, không dùng thuốc lắc vì gây nhồi máu cơ tim, cần kiểm soát cân nặng, ngăn béo phì vì dẫn đến tiểu đường, gây bệnh mạch vành.

"Phòng ngừa bệnh mạch vành trong chính tầm tay chúng ta chứ không phải thầy thuốc. Bệnh nhân sau phẫu thuật hay điều trị cũng cần hợp tác với bác sĩ và tránh xa các yếu tố nguy cơ để đạt hiệu quả điều trị, duy trì chất lượng cuộc sống", Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh nói.

                                                                                         Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh (giữa); bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên (trái) giải đáp các thắc mắc cho độc giả về các bệnh lý tim mạch.

 

Buổi tọa đàm "Bệnh mạch vành và bệnh tim mạch" khép lại Tuần tư vấn bệnh tim mạch diễn ra từ ngày 1/4 đến 7/4 trên VnExpress. Suốt một tuần qua, các chuyên gia tim mạch hàng đầu đến từ Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh đã giải đáp gần 1.000 câu hỏi, thắc mắc của độc giả về bệnh mạch vành, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, hở van tim, phẫu thuật tim, cùng các bệnh lý tim mạch khác...

Theo vnexpress