Mệt mỏi mạn tính dễ nhầm là “bệnh giả vờ”

Nhiều người trước đây vốn năng động nhưng nay lại thường xuyên chìm vào trạng thái mệt mỏi, uể oải dai dẳng, cảm giác kiệt sức, cơ thể không cải thiện dù ngủ, nghỉ ngơi đầy đủ. Đây thực sự là bệnh, hay nói đúng hơn là hội chứng mang tên “kỳ lạ”: hội chứng mệt mỏi mạn tính.

Tuy nhiên, tình trạng này dễ bị bỏ qua vì nhiều người chỉ nghĩ đơn giản là sức khỏe kém, bị mệt nhưng mọi nỗ lực cải thiện thông thường ít hoặc thậm chí không có hiệu quả. Đôi khi, tự chính bệnh nhân hoặc những người xung quanh cho là lười biếng vì lúc nào cũng than mệt.

image001

Hội chứng mệt mỏi mạn tính gặp nhiều ở nữ giới hơn nam giới, hay gặp ở lứa tuổi từ 25 - 45 (Ảnh minh họa)

BS.CK2 Võ Đôn - Bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh, BV Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết: “Hội chứng mệt mỏi mạn tính là một tình trạng bệnh lý mà biểu hiện mệt mỏi kéo dài ít nhất 6 tháng và không thể giải thích đầy đủ bằng một tình trạng bệnh lý nào đó, nó gặp trong nhiều bệnh khác nhau. Tình trạng mệt mỏi trở nên ngày càng nặng hơn hơn khi hoạt động thể chất hoặc tinh thần thường xuyên hằng ngày nhưng không được cải thiện rõ rệt.

Bên cạnh mệt mỏi, người bệnh còn có thể gặp nhiều triệu chứng khác là khó chịu; không tập trung làm việc, giảm khả năng hoàn thành các công việc thường ngày trước khi bị bệnh; giảm khả năng suy đoán, nhận thức; thay đổi tư thế làm việc, sinh hoạt như đứng ngồi không yên. Thậm chí, người bệnh còn bị rối loạn giấc ngủ, đau mạn tính”. 

Hội chứng mệt mỏi mạn tính là một rối loạn phức tạp, mặc dù có rất nhiều nhiều lý thuyết khác nhau về nguyên nhân gây ra hiện tượng này nhưng cho đến nay vẫn chưa được biết rõ. Song, người ta thấy rằng một số người khi sinh ra có yếu tố cơ địa thuận lợi mắc bệnh này, đồng thời nó thường xuất hiện sau khi bị nhiễm virus, sau một chấn thương, phẫu thuật hoặc căng thẳng tinh thần kéo dài.

Ngoài ra, một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy rằng mệt mỏi mạn tính có khả năng do mất cân bằng nội tiết tố, suy giảm hệ thống miễn dịch. Nhưng những điều này vẫn đang bàn cãi và các nghiên cứu vẫn đang được tiếp tục thực hiện để mở đường cho phương pháp điều trị trúng đích hơn vì hội chứng mệt mỏi mạn tính trước giờ rất khó trị và nhiều người thậm chí đã dần nặng đến hạn chế về lối sống, hiệu quả công việc ngày càng giảm, mất khả năng lao động, thậm chí là trầm cảm, có xu hướng cách ly xã hội.

Mệt mỏi kéo dài, đừng vội uống vitamin tổng hợp!

Hội chứng mệt mỏi mạn tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nó thường ảnh hưởng đến người lớn từ người trẻ đến tuổi trung niên nhiều nhất. Điều đáng nói là, những người phụ nữ được chẩn đoán mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính thường xuyên hơn nam giới.

Mặc dù y học đã có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ, nhưng cho đến nay cũng không có xét nghiệm cận lâm sàng nào là đặc hiệu để có thể chẩn đoán được trạng thái này hay đo được mức độ trầm trọng của bệnh, phải dựa vào chẩn đoán loại trừ.

Câu chuyện đối phó với hội chứng mệt mỏi mạn tính trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi người bệnh đi khám đủ các chuyên khoa nhưng thường không tìm ra bệnh. Hơn nữa, với triệu chứng mệt mỏi, nhiều người chủ quan cho rằng do làm việc quá sức, thời tiết thay đổi nên thường tự mua các loại vitamin, thuốc bổ tổng hợp để bổ sung liên tục trong thời gian dài.

Song theo BS Võ Đôn, vitamin tổng hợp, vitamin B, vitamin C chỉ các tác dụng hỗ trợ, nâng đỡ cơ thể tăng sức đề kháng, không đặc hiệu cho một bệnh nào. Do đó, người bệnh chỉ nên dùng thuốc sau khi chẩn đoán rõ ràng. Việc tự ý sử dụng liên tục mà không có chỉ định từ bác sĩ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

image003

Hội chứng mệt mỏi mạn tính không có nguyên nhân rõ ràng nên hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Việc điều trị chỉ xoay quanh việc giảm triệu chứng để không gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. (Ảnh minh họa)

BS Võ Đôn cho biết, hiện nay không có phương pháp chữa trị đặc hiệu nào cho hội chứng mệt mỏi mạn tính mà tuỳ thuộc vào cá thể biểu hiện các triệu chứng khác nhau mà tư vấn và điều trị khác nhau. Điều trị tập trung vào việc giảm triệu chứng, ưu tiên các triệu chứng gây nặng nề phiền toái nhất cho người bệnh.

“Vì các triệu chứng khác nhau tùy theo từng cá nhân nên sẽ không có một phương pháp nào chung được áp dụng cho tất cả mọi người. Bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc khác nhau để giúp kiểm soát các triệu chứng riêng lẻ, đặc biệt là các triệu chứng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Chẳng hạn như hội chứng mệt mỏi mạn tính thường gây phiền muộn, trầm cảm, việc điều trị chứng trầm cảm sẽ giúp cải thiện giấc ngủ, giảm lo lắng và giảm đau. Hay thuốc điều chỉnh huyết áp hoặc nhịp tim có thể hữu ích cho một trường hợp có rối loạn về huyết áp, nhịp tim nhanh phản ứng. Thuốc giảm đau cũng sẽ cần thiết trên những người bệnh có triệu chứng đau mạn tính...”.

Ngoài ra, những người mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính phải chú ý kiểm soát lối sống của bản thân để thích ứng với tình trạng cạn kiệt năng lượng sau khi hoạt động hay suy nghĩ. Hãy lên lịch hoặc lập kế hoạch hàng ngày, song song đó là áp dụng các kỹ thuật thư giãn như tập thở, thiền hoặc massage cũng giúp ích trong việc cải thiện tình trạng này. Đồng thời tìm đến các bác sĩ để được hướng dẫn thực hiện các liệu pháp để quản lý cảm xúc và tâm lý, xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng.

BS Đôn đưa ra lời khuyên, người bệnh mệt mỏi kéo dài thường ăn uống không ngon, vì thế nên chọn những thực phẩm, món ăn dễ tiêu, hạn chế các đồ uống có tính kích thích. Thực tế, chán ăn do nguồn gốc stress kéo dài hay trầm cảm, vì thế trước tiên cần cải thiện các tình trạng này, điều chỉnh giấc ngủ, có như vậy thì mới giúp người bệnh ăn ngon miệng và tiêu hóa dễ dàng hơn. Cùng với đó là cần tái khám định kỳ để đánh giá tiến triển của quá trình điều trị cũng như những triệu chứng mới phát sinh.

image005

Người mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính cần có lối sống lành mạnh, hoạt động thể lực và sinh hoạt phù hợp. (Ảnh minh họa)

Để tránh rơi vào tình trạng mệt mỏi, thiếu động lực kéo dài, BS Đôn đưa ra lời khuyên: “Hãy chủ động nói chuyện, chia sẻ nhiều hơn với người thân, bạn bè để giải tỏa những ẩn ức nơi công sở, trường học và gia đình… Điều này không chỉ hữu ích trong việc phòng ngừa mà còn giúp kiểm soát ngay cả khi đã mắc phải chứng mệt mỏi mạn tính”.

Một giấc ngủ ngon cũng sẽ giúp tinh thần sảng khoái hơn. Để trọn vẹn với giấc nồng, hãy thay đổi thói quen thức khuya, đi ngủ sớm, đủ thời gian khuyến cáo đối với mỗi lứa tuổi. Tránh dùng caffeine, trà để không bị trằn trọc khi đi vào giấc ngủ.

Cuối cùng là nên tập thể dục đều đặn, ngay cả khi bạn là người khỏe mạnh hay đang trong tình trạng mệt mỏi mãn tính. Nhưng BS Đôn lưu ý, chế độ tập thể dục nên khởi đầu với cường độ rất thấp và tăng dần theo thời gian giúp cải thiện chức năng lâu dài. Các chế độ tập thể dục tích cực, nặng nề thường dẫn đến các triệu chứng nặng hơn. Duy trì các hoạt động nhẹ nhàng đều đặn là rất quan trọng.

Theo suckhoedoisong.vn