Đảm bảo an toàn thực phẩm bằng công nghệ hiện đại

Với việc được chính phủ cho phép tự chịu trách nhiệm về chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) bán ra thị trường, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn chú trọng đến việc đảm bảo tiêu chí “an toàn”. Vì vậy, môi trường sản xuất của các doanh nghiệp Nhật luôn được vệ sinh sạch sẽ, được khử vô trùng với bên ngoài và áp dụng máy móc hiện đại nhằm đáp ứng tiêu chí chính xác nhất với năng xuất có thể gấp 1000 lần so với con người. Trong môi trường làm việc này, con người không phải động tay vào bất cứ việc gì, mà chỉ cần theo dõi, giám sát hoạt động của máy móc.

Hàng ngày sau khi kết thúc công việc, một hệ thống bơm nước tự động ở mỗi cơ sở sản xuất sẽ bơm nước làm sạch tất cả các thiết bị, sau đó sấy khô chúng bằng hệ thống lò sưởi.

Hệ thống tiêu chuẩn khiến doanh nghiệp không thể lơ là

Về cơ bản các doanh nghiệp Nhật Bản tự quản lý chất lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường, tuy nhiên các sản phẩm này phải đáp ứng các tiêu chuẩn vô cùng khắt khe.

Nhật Bản có tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng thực phẩm ngay từ những bước đầu tiên là trồng trọt và chăn nuôi. Chính phủ Nhật đã ban hành tiêu chuẩn cụ thể với dư lượng của 250 thuốc trừ sâu và tất cả nông sản có dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng sẽ không được bán ra thị trường.

Đáng chú ý, Nhật Bản có 2 hệ thống tiêu chuẩn gồm: tiêu chuẩn cơ bản trong công nghiệp (JIS) và tiêu chuẩn nông nghiệp (JAS).

Hệ thống JIS hiện có tới 8148 tiêu chuẩn và là một trong những tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi nhất ở Nhật Bản, với tất cả các sản phẩm công nghiệp, phân hoá học, sợi tơ tằm, thực phẩm... Khi kiểm tra chất lượng, dấu chất lượng tiêu chuẩn JIS là cơ sở để xác nhận chất lượng. 

Còn hệ thống tiêu chuẩn JAS đóng vai trò là cơ sở để người tiêu dùng Nhật lựa chọn thực phẩm chế biến. Danh sách các thực phẩm được JAS quản lý gồm: đồ uống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, mỡ ăn, các nông lâm sản chế biến.


Rút giấy phép, phạt hàng trăm triệu nếu vi phạm an toàn thực phẩm

Mặc dù để doanh nghiệp tự chủ trong kiểm soát chất lượng, nhưng Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Nhật Bản vẫn thường xuyên tiến hành hậu kiểm. Mỗi năm một lần, cơ quan chức năng lại tiến hành thanh tra các công ty thực phẩm theo 5 tiêu chí: chất lượng vệ sinh thiết bị sản xuất, chất lượng vệ sinh cơ sở sản xuất, chất lượng nguyên liệu, chất lượng nước và an toàn lao động. Những công ty nào không đạt chuẩn sẽ bị rút giấy phép và bị phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng. Mức phạt tù có thể lên đến 10 năm và phạt tiền có thể lên đến 3 triệu Yên, tương đương gần 30.000 USD (khoảng 680 triệu VNĐ).

Với mức án phạt nghiêm khắc trên, công ty Nhật luôn chú trọng việc tuyển dụng các chuyên viên ATTP được đào tạo kỹ lưỡng, vượt qua các kỳ sát hạch do nhà nước tiến hành và được cấp bằng hành nghề có kỳ hạn 3 năm.

Cơ chế kiểm soát nhiều lớp trên chính là lý do giải thích vì sao rất hiếm khi xuất hiện tình trạng ngộ độc tại Nhật mặc dù hàng quán, siêu thị thực phẩm hiện diện ở mọi nơi trên đất nước này.

 Theo Phunuvietnam.vn