Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin để sớm cung ứng cho người dân - Ảnh: MINH CHIẾN

Ngày 11-4, ông Dương Hữu Thái, viện trưởng Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC), cho biết sau khi nghiên cứu và cho ra kết quả tốt, vắc xin COVIVAC đã được đưa vào thử nghiệm và sẽ sớm được sản xuất ra thị trường khi được Bộ Y tế cấp phép, phê duyệt theo quy trình hoặc cấp phép trong trường hợp khẩn cấp.

COVIVAC là sản phẩm hợp tác của IVAC với một số trường đại học và tổ chức quốc tế cùng các đối tác trong nước và nước ngoài. Ðến nay, IVAC hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin.

Vắc xin COVIVAC có điểm tương đồng với vắc xin AstraZeneca được nhập khẩu và ưu tiên tiêm tại một số địa phương cả nước hiện nay là đều sử dụng công nghệ véc tơ, tuy nhiên, giá thể sử dụng của hai nhà sản xuất khác nhau. 

COVIVAC sử dụng công nghệ nuôi cấy trứng gà có phôi công nghệ đang được IVAC áp dụng để sản xuất vắc xin phòng cúm mùa từ nhiều năm nay, còn vắc xin AstraZeneca sản xuất theo công nghệ nuôi cấy tế bào.

Cũng theo ông Thái, tại Trường đại học Y Hà Nội đã triển khai tiêm vắc xin cho người tình nguyện tham gia. 120 tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 được chia thành 5 nhóm để tiêm với các mức liều khác nhau, mỗi đợt tiêm 12 - 15 người/ngày, cách nhau 8 ngày cho đến 20-4-2021. 

Cụ thể, ba nhóm vắc xin không có tá chất với các mức liều: 1mcg kháng nguyên S; 3mcg kháng nguyên S; 10mcg kháng nguyên S; một nhóm vắc xin mức liều 1mcg kháng nguyên S có bổ sung tá chất và một nhóm gồm 20 người tiêm giả dược để so sánh với những nhóm tiêm vắc xin nêu trên. 

Mũi tiêm thứ hai sẽ được tiêm sau mũi thứ nhất 28 ngày. Trong suốt quá trình nghiên cứu, các tình nguyện viên sẽ được theo dõi sức khỏe và mời đến thăm khám bảy lần theo lịch trình nghiên cứu, để đánh giá an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin.

"Đến nay đã tiêm được 66 tình nguyện viên, dự kiến 1 đến 2 tuần nữa sẽ hoàn thành bước đầu công tác tiêm thử nghiệm. Sức khỏe các đối tượng sau khi tiêm vắc xin đều ổn định, một số người gặp phản ứng phụ ở mức độ nhẹ như đau vết tiêm, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi... Các phản ứng phụ này đa số chỉ kéo dài trong khoảng một ngày", ông Thái cho hay.

g

Vắc xin COVIVAC dễ bảo quán, vận chuyển và có giá thành thấp, chỉ 60.000 đồng/liều - Ảnh: MINH CHIẾN

Dự kiến sau khi có báo cáo kết quả giữa kỳ và cuối kỳ của giai đoạn này vào tháng 7-2021, nếu vắc xin cho thấy đạt các tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh, trên cơ sở được Bộ Y tế phê duyệt, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2, với cỡ mẫu lớn hơn tại tỉnh Thái Bình với 300 đối tượng.

"Chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm, theo kế hoạch đến quý I năm 2022 Việt Nam sẽ có vắc xin để sử dụng, thậm chí có thể xuất khẩu. Với ưu điểm công nghệ hiện đại, tại IVAC công suất hiện nay là 6 triệu liều/năm, nhưng có thể sớm nâng lên 30 triệu liều/năm, cùng với đó là giá thành rẻ chỉ 60.000 đồng/liều, vắc xin COVIVAC dễ dàng bảo quản và vận chuyển, giúp mọi người dân đều có thể tiếp cận", ông Thái nói.

Theo tuoitre