Ảnh minh họa

Môi trường âm đạo không phải là môi trường vô trùng, trung bình có ít nhất có khoảng 6 loại vi khuẩn khác nhau, chủ yếu là là vi khuẩn kỵ khí. Trong quá trình chuyển hóa, nhóm vi khuẩn này sử dụng glycogen của lớp tế bào bề mặt âm đạo tạo thành axít lactic để tạo nên môi trường axít cho âm đạo, các chủng vi khuẩn này sống  trong âm đạo một cách hòa bình và không gây bệnh, khi có sự phá vỡ mối cân bằng này thì viêm nhiễm âm đạo sẽ dễ xảy ra.

Độ pH trung bình của âm đạo phụ thuộc vào tuổi và tình trạng nội tiết sinh dục. Ở trẻ chưa hành kinh thì độ pH âm đạo là 7. Ở phụ nữ trong tuổi sinh sản độ pH có mức độ dao động tứ 4 - 5. Ở phụ nữ mãn kinh sẽ có pH âm đạo từ 6 - 7. Độ pH âm đạo tạo giữ vai trò quan trọng và là điều kiện thuận lợi cho sự cân bằng vi khuẩn thường trú ở âm đạo, khi có sự thay đổi này, đặc biệt là nhóm vi khuẩn Lactobacili, từ đó kéo theo sự thay đổi nồng độ pH âm đạo, là nguyên nhân là tiền đề cho tình trạng viêm nhiễm âm đạo xuất hiện.

Về nguyên nhân: có nhiều nguyên nhân gây viêm âm đạo như do vi nấm hạt men có tên khoa học Candida Albican, do trùng roi có tên khoa học là Trichomonas vaginalis, do tạp trùng và viêm âm đạo còn có các bệnh lây truyền qua đường tình dục như sùi mào gà , lậu, giang mai… Ngoài ra, có một số tình trạng đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển như sử dụng kháng sinh kéo dài, thụt rửa âm đạo hay thuốc đặt âm đạo thường xuyên, sử dụng các thuốc ngừa thai, thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp, thuốc thuộc nhóm corticoid, sử dụng dụng cụ tránh thai, trên cơ địa đái tháo đường, bệnh suy giảm miễn dịch…

Về triệu chứng: tùy theo nguyên nhân và tính chất của bệnh, mà có biểu hiện khác nhau như: viêm âm đạo do Trichomonas Vaginalis. Loại này chiếm 20% số viêm âm đạo, âm đạo đỏ rực với chấm đỏ giống như quả dây tây, đôi khi sung huyết, khí hư có màu xanh nhạt, loãng, có bọt, với số lượng nhiều, kèm theo triệu chứng ngứa rát âm hộ, có khoảng 10% người bệnh không có triệu chứng. Viêm âm đạo do nấm Candida Albican, với triệu chứng đặc trưng là huyết trắng sánh đặc, màu trắng lợn cợn, đóng thành mảng, gây ngứa, rát nhiều, giao hợp đau, âm hộ viêm đỏ, nề, âm đạo viêm đỏ, ứ đọng huyết trắng, pH âm đạo <4,5. Viêm âm đạo do tạp trùng, khí hư có màu vàng loảng giống như mủ, kèm theo đau rát. Viêm âm đạo do Gardnerella vaginalis, vi khuẩn yếm khí, Mycoplasma, khí hư thường có màu vàng hoặc xám, loãng, tráng đều thành âm đạo, có mùi hôi. …

Về điều trị: tùy theo nguyên nhân mà có điều trị khác nhau, với viêm âm đạo do nhiễm vi nấm hạt men, thuốc điều trị thường dùng là Miconazole hay Clotrimazole viên 100mg, đặt từ 3 - 7 đêm, thuốc uống Fluconazole 150mg, một liều duy nhất (1 viên). Với viêm âm đạo do nhiễm Trichomonas Vaginalis, thuốc thường dùng là Tinidazole với tên biệt dược là Fasigyl, thuốc  uống với liều 2g (4 viên) liều duy nhất cho người lớn; với trẻ em dùng liều 50 - 70mg/kg cân nặng, uống liều duy nhất, hoặc dùng Secnidazole với tên thương mại là Flagentyl uống 2g (4 viên) liều duy nhất cho người lớn. Viêm âm đạo do tạp trùng, thường liên quan đến Gardnerella vaginalis, vi khuẩn yếm khí, Mycoplasma, thuốc thường dùng là  Metronidazol 500mg uống 2 lần/ ngày, uống trong 7 ngày, hoặc uống Metronidazole 2g liều duy nhất.

Trường hợp viêm âm đạo do lậu cầu, thuốc thường dùng là Trobincin tiêm mông sâu với 4g liều duy nhất; về điều trị viêm đạo do thiểu dưỡng ở người mãn kinh, thì cần bổ sung estrogen bằng đường toàn thân hay tại chỗ có hiệu quả đáng kể, đường dùng tại chỗ giúp giảm triệu chứng nhanh chóng thì đường toàn thân sau đó sẽ ngăn ngừa tái phát.

Về phòng bệnh: ở môi trường âm đạo bình thường, luôn tồn tại hệ vi khuẩn sống cộng sinh. Sự tồn tại của các vi khuẩn này đã giúp cơ thể ức chống lại các vi khuẩn gây bệnh, cho nên bất cứ tác động nào gây mất cân bằng hệ vi khuẩn này đều có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và vi nấm có hại gây bệnh, vì vậy cần tránh  thụt rửa âm đạo khi chưa có chỉ định của thầy thuốc, vì việc thụt rửa sẽ làm thay đổi độ pH của âm đạo. Giữ cho vùng sinh dục càng khô ráo, vệ sinh sạch sẽ trong thời kỳ hành kinh, trước và sau khi quan hệ tình dục. Tránh mặc quần áo quá chật hay ẩm ướt, không nên dùng các chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng sinh dục. Khi sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ cần chọn lựa sản phẩm phù hợp. Không nên sử dụng thường xuyên những dung dịch sát khuẩn mạnh, tránh làm xáo trộn môi trường tự nhiên của âm đạo.

Thực hành tình dục an toàn để tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Không dùng nước bẩn có nhiều vi sinh vật như nước ao hồ, kênh rạch để tắm rửa vệ sinh, đi khám phụ khoa định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần. Khi đã mắc bệnh phụ khoa cần điều trị dứt điểm. Khi đến tuổi tiền mãn kinh, hay mãn kinh hoặc đã bị cắt buồng trứng. Có thể dùng hoóc-môn estrogen dạng viên hay kem theo hướng dẫn của thầy thuốc để giữ âm đạo không bị khô.


Theo Sức khỏe và đời sống