Minh họa


Trước đó, Viện Sức khỏe Tâm thần (SKTT), BV Bạch Mai cũng tiếp nhận vài trường hợp nhập viện vì trầm cảm, lo âu... kèm theo hội chứng nghiện mạng xã hội. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thực tế này không thể khẳng định được họ nhập viện là do hoàn toàn nghiện mạng xã hội, bởi đằng sau những người đam mê mạng xã hội nói chung/ facebook nói riêng quá mức, thường là họ có bệnh về sức khỏe tâm thần như tự kỷ, trầm cảm...

Ôm điện thoại/ lướt mạng xã hội lên đến hàng chục giờ/ngày

Theo lời người nhà nữ bệnh nhân 18 tuổi cho biết, trước khi vào lớp 12 con gái ông là học sinh giỏi, rất ngoan. Tuy nhiên, 4 tháng gần đây ông thấy con bỗng thay đổi tính nết, sống khép mình, không giao lưu với bạn bè, học tập giảm sút nghiêm trọng. Gia đình bắt đầu để ý con và phát hiện con gái suốt ngày “ôm” điện thoại. “Bạn rủ đi thăm thầy cô ngày 20/11, cháu cũng không đi, thậm chí đến bữa cũng không xuống ăn. Nhiều hôm thức đến 2-3h. Có lần, tôi về nhà giữa trưa có việc, vô tình bắt quả tang con trốn học ở nhà ôm điện thoại. Khuyên bảo con không được, vợ chồng tôi quyết định cắt mạng internet. Không ngờ sau đó, cháu có phản ứng dữ dội, đập phá đồ đạc, chửi, chống trả bố mẹ” - người bố kể lại.

Cũng theo thông tin của người bố này, gia đình đã mời bác sĩ tâm lý đến nhà nhưng con gái ông bất hợp tác. Cuối cùng nghe theo lời bác sĩ, vợ chồng ông đành  phải “đánh” thuốc mê rồi đưa con đi viện điều trị. Tại BV Tâm thần TW 1, bệnh nhân đã được điều trị đang theo phác đồ điều trị trầm cảm nhưng không hợp tác nên cần sự hỗ trợ tâm lý rất lớn từ phía gia đình.

Trước đó, tại Viện SKTT, BV Bạch Mai (Hà Nội), các bác sĩ cũng cho hay, thường gặp các bệnh nhân bị trầm cảm, tâm thần phân liệt, lo âu... kèm theo hội chứng nghiện mạng xã hội/facebook. Đơn cử như trường hợp của cậu bé 14 tuổi được gia đình đưa vào viện trong tình trạng co giật. Bố mẹ bệnh nhân cho biết, con trai cứ đi học về là lao vào điện thoại. Ngay cả lúc ăn hay đi vệ sinh cũng ôm điện thoại, mỗi ngày hơn 10 tiếng.

Thấy vậy, phụ huynh đã tịch thu điện thoại. Ngay sau đó cháu sống khép kín, thu mình không giao lưu với ai và bắt đầu co giật. Gia đình đã phải đưa cháu đến Viện SKTT để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ phát hiện cháu bé còn bị hoang tưởng ảo giác. Cháu kể, cứ vào chạng vạng tối luôn có tiếng văng vẳng bên tai. Bác sĩ phải chỉ định dùng thuốc loạn thần, tình trạng ảo giác của bệnh nhân sau đó hết, thời gian sử dụng điện thoại thông minh giảm dần.

Ngại giao tiếp, “trốn” vào điện thoại/ mạng xã hội

Theo BS. Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc BV Tâm thần TW 1 (Hà Nội), ngày càng có nhiều trường hợp trầm cảm do nghiện điện thoại, facebook, game phải nhập viện. Từ tần suất thấp, dần dần người bệnh chỉ thích chơi duy nhất chiếc điện thoại, xa lánh thế giới bên ngoài. Trong 6 tháng đầu, người bệnh ở giai đoạn cấp tính và điều trị cần ít nhất 6 tháng. Nếu để nghiện lâu trên 6 tháng thì thời gian điều trị có thể kéo dài 3-5 năm...

Tuy nhiên, BS. Tô Thanh Phương thông tin, đến nay ở BV Tâm thần TW 1 mới có 3 người nhập viện với các biểu hiện nghiện mạng xã hội/facebook.

TS. Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện SKTT cho biết, đến nay, Viện chưa tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị nội trú đơn thuần liên quan đến nghiện facebook.

Còn TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc BV Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) thông tin, ông cũng từng gặp một vài người có biểu hiện nghiện mạng xã hội/facebook phải nhập viện, nhưng thực ra, đằng sau những người đam mê mạng xã hội/facebook quá mức thường là họ có bệnh về sức khỏe tâm thần như tự kỷ, trầm cảm. Vì thế họ ngại giao tiếp, nên điện thoại và mạng xã hội là nơi người bệnh “trốn” vào, chứ không phải do nghiện mạng xã hội/ facebook dẫn đến trầm cảm, tự kỷ.

Cũng theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng, hiện chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này, nhưng bệnh lý tâm thần mới là nguyên nhân chính khiến người bệnh tìm đến chiếc điện thoại và mạng xã hội.

BS. Lê Thị Thu Hà - Viện SKTT cho rằng, mạng xã hội/facebook hoàn toàn không xấu, mà có nhiều mặt tích cực. Vấn đề là làm sao sử dụng cho hiệu quả, có mục đích, chứ không phải lệ thuộc vào mạng xã hội/ facebook một cách không có mục đích. Lạm dụng facebook không có mục đích rõ ràng mới là nghiện. Còn những người sử dụng mạng xã hội/facebook cho công việc thì không coi là nghiện facebook

Theo Sức khỏe và đời sống