Từng là biểu tượng hòa bình nhưng nay bồ câu không còn được coi trọng ở đô thị - Ảnh: CNN

Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí khoa học Biological Conservation cho thấy trong một thời gian dài, các nhà khoa học Pháp tin rằng tình trạng những chú chim bồ câu ở các đô thị của Pháp bị mất ngón chân hoặc dị dạng chân là một dạng nhiễm trùng, hoặc phản ứng với các tác nhân ô nhiễm.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm ra lý do thực sự: tóc người.

Nhóm nghiên cứu đến từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia và Đại học Lyon đã ghi lại mức độ biến dạng ngón chân ở chim bồ câu tại 46 địa điểm trên khắp Paris.

Họ phát hiện ô nhiễm do con người gây ra chính là nguyên nhân của hầu hết trường hợp dị tật chân ở bồ câu. 

Theo đó, bồ câu sống ở nơi có ô nhiễm không khí cao và nhiều tiếng ồn có ít ngón chân hơn đồng loại ở nơi nhiều có cây xanh. Trong đó những chú chim mất nhiều ngón chân lại sống gần khu vực có nhiều tiệm làm tóc, cho thấy nguyên nhân dị tật chân ở bồ câu là vướng vào tóc người.

Nhóm nghiên cứu đề xuất dành nhiều không gian xanh hơn cho bồ câu. Nhưng người dân không mặn mà lắm vì từ lâu bồ câu đã bị xem là loài gây hại ở đô thị.

Bồ câu ở Pháp từng có thời huy hoàng, đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi hàng triệu thư tín từ thế kỷ 19. Luật ở Pháp hiện nay quy định cho chim bồ câu ăn ở Paris là bất hợp pháp và hành vi này có mức phạt là 450 euro. Tuy vậy, vẫn có một nhóm nhỏ hay lén lút cho bồ câu ăn vào ban đêm.

Có lý do chính đáng cho lệnh cấm này. Việc cho bồ câu ăn sẽ thu hút nhiều bồ câu hơn, dẫn đến số lượng tập trung quá đông, từ đó dễ lây lan bệnh tật. Cho chim ăn vào ban đêm cũng dễ gây rối loạn nhịp sinh học của chim.

Vấn đề quan trọng hơn là bồ câu có phần "cản đường cản lối". Rất nhiều trường hợp người dân bực tức đi báo cảnh sát vì bồ câu khiến họ gặp tai nạn giao thông.

Hơn nữa, nhiều bồ câu đồng nghĩa với... nhiều phân. Loài chim ‘biểu tượng của hòa bình’ thường vô tư thả chất thải xuống kính chắn gió xe hơi và đường phố, khiến các nhân viên công vụ phải đi cọ rửa vất vả.

Cho đến lúc này, chìa khóa để kiểm soát số lượng chim bồ câu nằm ở công tác ngăn chặn khả năng sinh sản tự nhiên của chúng. Bồ câu được quy hoạch về những khu ‘chung cư’ có nhiều tổ được xây ở vài địa điểm trong thành phố. Trong đó, mỗi con chim chỉ được sinh 1 con/năm. Số còn lại đều bị phá hủy phôi.

Theo tuoitre