Ảnh minh họa

Trong khi tất cả chúng ta đều trải qua những thay đổi hormon ở những giai đoạn nhất định như thời kì tiền mãn kinh, những bệnh như bệnh tuyến giáp, tiểu đường và thậm chí là mang thai cũng có thể gây ra những rối loạn hormon trong cơ thể.

Dấu hiệu rối loạn hormon khi bị bệnh tuyến giáp

1. Thay đổi đại tiện

Nếu bạn nhận thấy đột nhiên bị táo bón hoặc đi ngoài nhiều lần, tình trạng này có thể liên quan tới suy giáp (không đủ hormon tuyến giáp) hoặc cường giáp (thừa hormon tuyến giáp).

Điều này là do hormon tuyến giáp có thể khiến các cơ quan hoạt động nhanh hơn (cường giáp) hoặc chậm hơn (suy giáp) khi chúng bị rối loạn.

2. Mắt trông to hơn

Nếu có ai từng nói với bạn rằng đôi mắt của bạn trông to hơn hoặc giống như bạn đang nhìn chằm chằm (mọi lúc), đây có thể là dấu hiệu phổ biến của cường giáp, bệnh Graves (một rối loạn tự miễn). Mắt của bạn trông to hơn vì mí mắt bị lồi ra do các mô dưới mắt bị viêm.

3. Tóc ngừng mọc

Nếu bạn cảm thấy lông tóc thô ráp hoặc thưa đi, đó có thể là dấu hiệu của suy giáp do hormon tuyến giáp chịu trách nhiệm cho sự phát triển của lông tóc.

4. Hay quên

Mặc dù trí óc mịt mờ là triệu chứng phổ biến của suy giáp, trí nhớ ngắn hạn kém cũng là dấu hiệu cảnh báo. Lượng hormon tuyến giáp thấp kiểm soát trao đổi chất của não và hoạt động não chậm hơn ảnh hưởng tới khả năng tập trung ở một thời điểm và khả năng ghi nhớ.

5. Da khô

Da khô, dễ bong tróc cũng có thể là dấu hiệu của suy giáp. Khi cơ thể sản sinh ít hormon tuyến giáp, nó làm chậm chuyển hóa của da cũng có nghĩa là da sản sinh ít dầu hơn để dưỡng ẩm.

    Dấu hiệu rối loạn hormon do bệnh tiểu đường

    6. Dễ bị nấm men

    Nếu bị nấm men nhiều hơn bình thường, điều này có thể do bệnh tiểu đường, làm rối loạn hàm lượng hormon insulin. Tiểu đường làm tăng lượng đường huyết và loại nấm gây ra các nhiễm trùng này rất thích đường. Bệnh tiểu đường thường không có triệu chứng và bạn có thể mắc bệnh nhiều năm mà không biết. Đó là lý do tại sao cần chia sẻ về tiền sử bệnh của gia đình với bác sĩ. Nếu bạn có nguy cơ di truyền, việc ăn uống có thể làm giảm hoặc tăng tỷ lệ mắc bệnh.

    7. Tiểu tiện thường xuyên

    Nếu bạn đột nhiên đi tiểu thường xuyên, tình trạng này có thể liên quan tới lượng đường huyết cao do tuyến tụy bị rối loạn vì bệnh tiểu đường. Thận phải hoạt động quá tải để loại bỏ đường dư thừa, khiến cho bạn phải đi tiểu thường xuyên hơn.

    Dấu hiệu rối loạn hormon khi mang thai

    8. Lợi thường xuyên bị chảy máu

    Bạn bị chảy máu lợi thường xuyên hơn? Điều này có thể do mang thai. Sau khi thụ thai, hàm lượng progesteron tăng đáng kể để tránh cho cơ thể không trục xuất thai. Progesteron cũng làm tăng lưu thông máu và khiến cho cơ thể giữ nước ở khắp mọi nơi, bao gồm cả lợi, khiến lợi bị sưng và dễ chảy máu. Đó là lý do tại sao bạn cần đánh răng, dùng chỉ nha khoa và đi khám bác sĩ nha khoa thường xuyên khi bạn đang mang thai. Nếu nhận thấy lợi liên tục bị chảy máu sau khi đánh răng cần thông báo với bác sĩ.

    9. Bàn chân lớn hơn

    Progesteron tăng trong thời kì mang thai cũng là nguyên nhân khiến cho các dây chằng (bao gồm cả ở bàn chân) bị giãn ra lúc sắp sinh. Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu nào khẳng định chính xác rằng đây là lý do nhiều phụ nữ bị tăng cỡ giầy khi mang thai.

    10. Có vị kim loại trong miệng

    Một loại hormon khác sẽ tăng khi bạn mang thai, hormon HcG (human chorionic gonadotropin), phôi thai bắt đầu sản sinh loại hormon này sau khi hình thành. Hàm lượng HcG cao hơn gây buồn nôn và nôn, điều này có thể làm thay đổi vị giác và dẫn đến cảm giác có vị kim loại trong miệng. Để khắc phục chứng nôn nghén, bác sĩ khuyên lựa chọn phương pháp chữa trị vi lượng đồng cân như gừng (bạn có thể đun sôi rễ để pha trà) Nước chanh cũng có thể giúp loại bỏ vị kim loại.

    11. Mảng da tối màu

    Những mảng da tối màu trên cổ, ngực và ở bất cứ đâu là tác dụng phụ của tăng estrogen trong cơ thể khi mang thai. Estrogen làm tăng hàm lượng sắc tố da melanin.

    Theo Sức khỏe và đời sống