Cựu Tổng thống Mỹ Surgeon C. Everett Koop đã nói rằng 70 phần trăm người Mỹ đang chết vì các bệnh liên quan trực tiếp đến thói quen ăn uống của họ. Bằng cách kết hợp chế độ ăn uống giàu trái cây tươi, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu sẽ giúp bạn sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn và có một bước tiến lớn trong việc phòng chống các bệnh mạn tính.

Tại sao ăn chay lại giúp ngăn ngừa ung thư?

Các nghiên cứu được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Đức ở Heidelberg giải thích điều này là bởi vì hệ thống miễn dịch của người ăn chay có hiệu quả hơn trong việc giết chết tế bào khối u so với người ăn thịt. Những chế độ ăn này cung cấp nhiều yếu tố bảo vệ trước nguy cơ ung thư như: sulforaphane (có nhiều trong rau họ cải, đặc biệt là bông cải xanh), selenium (có nhiều trong lúa mì, ngô, bắp cải, đậu hà lan, cà rốt, củ cải, cà chua, tỏi, các loại nấm,…), chất diệp lục, và các chất chống oxy hoá như vitamin C, vitamin E, alpha-carotene, beta-carotene, lycopene, lutein, cryptoxanthin…

Ngược lại, việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ sẽ làm tăng nguy cơ ung thư. Các nhà khoa học tại ĐH California (Mỹ) đã phát hiện ra rằng cơ thể con người xem thịt đỏ như là một “kẻ ngoại xâm” và đã kích hoạt một đáp ứng miễn dịch độc hại. Thịt đỏ có chứa một loại đường gọi là Neu5Gc mà cơ thể con người không thể sản sinh một cách tự nhiên. Do đó, khi con người ăn thịt đỏ, cơ thể sẽ kích hoạt một đáp ứng miễn dịch đối với loại đường lạ này, tạo ra những kháng thể gây viêm nhiễm và cuối cùng dẫn đến ung thư.


Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kì cũng cho biết những phụ nữ ăn thịt mỗi ngày có nguy cơ ung thư vú cao gần gấp bốn lần so với những người ăn ít. Ngược lại, những phụ nữ tiêu thụ ít nhất một khẩu phần rau mỗi ngày sẽ giảm nguy cơ bị ung thư vú từ 20 đến 30 phần trăm, theo Nghiên cứu tại Đại học Harvard.

Ăn chay thế nào cho đúng?

Tuy nhiên, không phải bất kì người nào ăn chay cũng có được lợi ích về sức khỏe. Nguy cơ thiếu hụt về mặt dinh dưỡng và mắc các bệnh mạn tính vẫn có thể xảy ra nếu như bạn không biết cách lựa chọn và phối hợp các loại thực phẩm. Sau đây là một vài lời khuyên đơn giản để bạn có được một chế độ ăn chay lành mạnh và tốt cho sức khỏe:

1. Ăn phong phú các loại hạt, trái cây và rau củ với nhiều màu sắc khác nhau. Bằng cách đó, bạn đang tối đa hóa sự đa dạng của các chất dinh dưỡng từ thực phẩm.

2. Chọn các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt (như gạo lứt, kê, lạc, vừng…) hoặc chưa chế biến thay vì các sản phẩm tinh chế.

3. Cải thiện nguồn cung cấp chất sắt bằng cách ăn nhiều loại đậu (đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu gà, đậu lăng…) và hạt khô (hạt điều, hạt bí, hạnh nhân, mắc-ca, nho khô…) - đây cũng là nguồn cung cấp protein tuyệt vời.

4. Đừng sợ tinh bột! Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ khuyến cáo rằng chế độ ăn uống của bạn nên bao gồm 50-60% phần trăm là tinh bột. Nhưng không phải tinh bột nào cũng như nhau. Hãy chắc chắn rằng tinh bột của bạn đến từ các loại ngũ cốc nguyên hạt thay vì gạo xát kĩ hay bánh mì trắng.


5. Giảm thiểu các thực phẩm ít bổ dưỡng như thức ăn nhanh, và đồ ngọt. Đây là nhóm thực phẩm gây ra tình trạng viêm mạn tính, và là nguyên nhân gây béo phì ở người ăn chay.

6. Thay thế sữa động vật bằng loại sữa hạt như sữa hạnh nhân, sữa ngô, sữa đậu nành, sữa gạo, sữa hạt điều... để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể.

7. Nhai kĩ ít nhất 50 lần cho một miếng cơm, đây là điều rất quan trọng. Nhai kĩ giúp bạn nhào trộn thức ăn với enzyme trong nước bọt, do đó bạn có thể hấp thu thức ăn tốt hơn và không cần phải ăn nhiều.

Nếu bạn chưa phải là người ăn chay, hãy cố gắng cắt giảm khẩu phần thịt xuống còn 10-20%, tăng khẩu phần trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt- và nhai kĩ. Sau một thời gian, bạn sẽ cảm nhận được sự thanh lọc, cơ thể trở nên nhẹ nhàng, khỏe khoắn, tinh thần tỉnh táo và nhiều năng lượng hơn.

Theo Sức khỏe & Đời sống