Khô, nứt môi là tình trạng mà nhiều người thường gặp phải khi tiết trời trở nên khô và lạnh. Trường hợp của bạn lại cộng thêm việc xăm môi làm cho tình trạng khô, nứt môi càng trầm trọng hơn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khô, nứt môi như thời tiết khô, lạnh, do cơ thể bị thiếu nước, do tác dụng phụ của thuốc, do dị ứng với các hóa chất có trong son, kem đánh răng... Trường hợp của bạn còn có nguyên nhân xăm môi, một số người sau khi xăm môi màu đỏ bị dị ứng. Dị ứng do xăm môi có thể xảy ra sau nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng sau xăm, một số người còn bị phản ứng nặng làm môi sưng nề, nổi nhiều hạt sâu trong môi- trường hợp này cần đến bác sĩ da liễu khám, điều trị và theo dõi lâu dài.

Để chữa trị khô, nứt môi cần loại bỏ các nguyên nhân nghi ngờ gây khô, nứt môi. Bôi các loại kem, son làm mềm da, ẩm da như kem vitamin E, vitamin A. Có thể bôi kem corticoid nhẹ như hydrocortison trong 1-2 tuần, sau đó bôi tacrolimus trong 1 tháng theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Có thể uống tăng cường một đợt vitamin nhóm B, C...  Chú ý không liếm môi, bóc vảy trên môi. Uống đủ nước trong ngày từ 2 - 2,5 lít nước, bổ sung các loại vitamin nhóm A, B, C thông qua việc tăng cường các loại rau quả có màu xanh đậm, màu vàng, các loại quả có múi như cam, bưởi, chanh...  Khi đi ra ngoài cần chú ý đeo khẩu trang để bảo vệ môi. Không nên dùng son mỹ phẩm khi môi bị nứt, có thể dùng son dưỡng hoặc vaselin bôi ngày nhiều lần. Ưu tiên loại son có thành phần chống nắng, có độ SPF 15. Hạn chế sử dụng loại son lỳ, son giữ màu lâu vì các loại son này thường có chứa một lượng nhỏ alcohol. Chúng có thể hút hết lớp dầu trên môi để giúp màu son bám lâu hơn và đây chính là nguyên nhân khiến môi khô nẻ. Khi đánh son, không nên thoa son trực tiếp lên môi, thay vào đó, nên thoa một lớp dưỡng môi trước khi tô son khoảng 5-10 phút để lớp dưỡng có thời gian ngấm vào da và bảo vệ. Tốt nhất bạn nên đến khám tại chuyên khoa da liễu để được bác sĩ thăm khám trực tiếp và tư vấn.

Theo Sức khỏe và đời sống