Minh họa


Tôi 50 tuổi, vừa qua thấy cơ thể mệt mỏi, hay bị đau nhức chân tay, chuột rút. Đi khám bác sĩ nói bị loãng xương nhẹ. Ngoài việc bổ sung thuốc thì ăn uống và rèn luyện thân thể cũng quan trọng. Xin nhờ bác sĩ tư vấn.


Loãng xương là sự rối loạn làm thoái hóa xương, đặc điểm là xương mỏng và yếu, dễ dẫn đến bị gãy, vỡ. Phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh đặc biệt dễ bị loãng xương. Đó là do chất estrogen - liên quan đến sự hấp thụ canxi của xương, đặc biệt quan trọng đối với sự hình thành xương mới - giảm đi. Loãng xương là một bệnh phức tạp liên quan đến các nhân tố như hormon, lối sống, dinh dưỡng và môi trường. Tuy không có cách nào chữa bệnh này nhưng nếu bạn biết cách có thể sẽ làm ngừng quá trình mất xương và trong một số trường hợp còn có thể tăng mật độ xương.

 Muốn giảm chứng loãng xương, bạn nên thường xuyên tập thể dục thể thao như đi bộ, tennis, khiêu vũ, thể dục nhịp điệu và các bài tập chuyên biệt để làm cho lưng khỏe hơn. Nên bổ sung trong bữa ăn hằng ngày các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, nhất là canxi (là chất quan trọng nhất cấu thành xương), florua (là chất khoáng thiết yếu trong việc hình thành xương và răng, có trong hải sản, gelatin và trong nước uống ở một số vùng), magiê (ngăn chặn sự gãy xương mới và làm tăng đáng kể mật độ xương), vitamin D, acid béo omega-3 (giảm được sự bài tiết canxi qua thận, tăng lượng canxi mà xương hấp thụ, cản trở hoạt động của các tế bào hủy xương và kích thích hoạt động của các tế bào tạo xương), đậu tương (giàu phytoestrogen, một hormon thực vật giống hệt estrogen ở người).

 Bên cạnh đó, cần hạn chế đưa vào cơ thể những chất góp phần làm mất canxi và magiê như đồ uống có cafein, nước ngọt có gas, chất cồn và muối. Giữ ổn định trọng lượng vì thừa cân cũng làm bộ xương mỏng mảnh chịu lực nhiều hơn.

Theo Sức khỏe và đời sống