Minh họa


Giữ móng tay, móng chân luôn sạch sẽ và khô ráo. Môi trường ẩm ướt thường xuyên có thể tạo điều kiện phát triển nấm móng và các nhiễm khuẩn khác.

Cắt móng tay bằng kéo hoặc bằng bấm móng tay. Nên cắt móng sau khi tắm vì khi đó móng mềm dễ cắt. Không cắt bỏ các riềm biểu bì quanh móng. Để tạo hình móng không nên chà móng với đá nhám bởi việc này đem lại nhiều nguy cơ cho móng của bạn. Nếu quá thích một bộ móng đẹp trong một dịp đặc biệt, bạn nhớ sau đó cho móng được nghỉ ngơi và dưỡng móng cẩn thận.

Xoa kem dưỡng da trên móng tay. Móng cũng cần dưỡng ẩm như da vậy.

Ăn thực phẩm có chứa nhiều protein và vitamin B7 (còn gọi là biotin): thịt, cá, sữa, quả óc chó, hạnh nhân và trứng... giúp cho móng khỏe mạnh.

Thói quen cắn móng tay khiến móng dễ bị nhiễm khuẩn và cũng trở thành ổ vi khuẩn, virut trực tiếp nhận cũng như cung cấp cho cơ thể qua miệng.

Không sử dụng móng tay của bạn như một công cụ chẳng hạn như cạy mở đồ hộp vì sẽ khiến móng bị chấn thương, gãy...

Cắt móng chân thường xuyên. Giữ móng chân ngắn sẽ giảm thiểu nguy cơ chấn thương và tổn thương. Tránh chọc ngoáy hay cạy móng chân mọc vào trong, đặc biệt là nếu chúng bị viêm và bị đau. Nếu bạn đang bị móng chân mọc vào trong, hãy tìm tới bác sĩ da liễu để điều trị.

Mang giày vừa vặn. Cần thay tất mỗi ngày. Mang dép tông khi tới bể bơi và trong phòng tắm công cộng để bảo vệ bàn chân của bạn. Điều này làm giảm nguy cơ nhiễm nấm móng cũng như mắc mụn cóc hay bệnh da liễu.

Nếu móng của bạn sưng, đau cần đi khám bác sĩ da liễu. Đặc biệt, nếu bạn bị bệnh tiểu đường, bất kỳ dấu hiệu khác thường nào liên quan tới móng đều cần được bác sĩ xem xét và điều trị.

Kiểm tra móng tay thường xuyên là một thói quen lành mạnh. Bởi vì các dấu hiệu đầu tiên về vấn đề sức khỏe có thể hiển thị trên móng tay như vệt đen trên móng, móng khô dễ gãy, móng không còn trơn bóng, nổi gợn dọc hoặc ngang... Nếu thấy dấu hiệu bất thường hãy tìm tới bác sĩ da liễu.

Theo Sức khỏe và đời sống