Thiếu i-ốt và vi chất đang khiến bệnh lý tuyến giáp tăng nhanh. Ảnh minh họa.



Mặc dù các thông tin khuyến cáo đến cộng đồng là cần thiết phải bổ sung i-ốt trong bữa ăn hàng ngày, tuy nhiên, có một thực tế là vẫn còn rất nhiều người mơ hồ về việc bổ sung i-ốt như thế nào là đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể?


Về vấn đề này, ThS.BS Đoàn Tuấn Vũ – Phó Trưởng khoa phụ trách Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, dựa trên các nghiên cứu về sự cân bằng và bài tiết, các chuyên gia đã tính toán thu nhập i-ốt ở người trưởng thành nằm trong khoảng từ 100-300 μg/ngày.

Nhu cầu thu nhập i-ốt được khuyến cáo hàng ngày là 90 μg/ngày cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, 120 μg/ngày cho trẻ em từ 6-12 tuổi, và 150 μg/ngày đối với thanh thiếu niên và người lớn từ 13 tuổi đến tuổi trưởng thành. Phụ nữ mang thai và cho con bú: 250 μg i-ốt mỗi ngày.

Các chuyên gia nhấn mạnh, cơ thể con người không tự tổng hợp được i-ốt mà hoàn toàn phải cung cấp từ bên ngoài, chủ yếu từ lương thực, thực phẩm, một phần qua không khí và việc bổ sung i-ốt phải thường xuyên, liên tục chứ không phải chỉ trong một lần, một lúc, một giai đoạn.

Do lượng i-ốt ngày càng nghèo đi từ các nguồn cung cấp tự nhiên mà nhu cầu lại cần thường xuyên và liên tục, cho nên vấn đề sử dụng muối i-ốt và các chế phẩm có i-ốt có đủ tiêu chuẩn phòng bệnh là nguồn bổ sung i-ốt cần thiết.


 

    Vì vậy để phòng ngừa CRLTI, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên sử dụng muối i-ốt thay cho muối thường trong ăn uống và chế biến thức ăn hàng ngày. Lưu ý bổ sung lượng i-ốt cần thiết cho cơ thể bằng những loại thực phẩm giàu chất i-ốt như các loại hải sản (ôm, cua, cá, ghẹ…), rong biển, tảo biển, các loại rau xanh đậm (như rau dền, rau đay, mồng tơi, rau ngót…). I-ốt cũng hiện diện trong các loại trái cây tươi, trong thịt và trong sữa…

    Các bác sĩ cũng khuyến cáo, việc sử dụng muối i-ốt thường xuyên và lâu dài là biện pháp đơn giản nhưng đặc biệt hiệu quả để phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt (CRLTI). Với các trường hợp cường tuyến giáp, như mọi trường hợp bệnh lý khác, bác sĩ chuyên khoa sẽ có tư vấn và hướng dẫn về cách chọn thực phẩm và muối ăn phù hợp.

    Cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề bổ sung vi chất vào thực phẩm

    Hiện nay, việc tái lập hoạt động phòng chống CRLTI cấp quốc gia đã được đưa vào nhóm dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 cùng hoạt động phòng chống đái tháo đường do Bệnh viện Nội tiết Trung ương là đơn vị đầu mối. ThS.BS. Đoàn Tuấn Vũ cho rằng, để thực hiện tốt và hoàn thành mục tiêu phòng chống CRLTI, các hoạt động giai đoạn 2016-2020 cần duy trì hệ thống đơn vị mạng lưới tuyến tỉnh và y tế cơ sở thực hiện công tác giám sát chất lượng muối, tình hình CRLTI trên toàn quốc. Nâng cấp, duy trì hệ thống labo xét nghiệm i-ốt tại các tỉnh thành phố và labo trung tâm vùng trên toàn quốc phục vụ công tác chuyên môn.

    Đảm bảo nguồn hóa chất KIO3 đủ về số lượng và đúng tiêu chuẩn chất lượng, sẵn có để phục vụ việc sản xuất muối/gia vị mặn bổ sung i-ốt đáp ứng nhu cầu phòng bệnh của toàn thể cộng đồng trên toàn quốc.

    Thường xuyên thực hiện công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho nhân dân để nâng cao kiến thức, thực hành phòng chống CRLTI. Tuyên truyền vận động các hộ gia đình chọn muối/gia vị mặn bổ sung i-ốt hàng ngày, đặc biệt đối tượng phụ nữ có thai, trẻ nhỏ.

     

     

    Bên cạnh đó cần điều tra, đánh giá tình trạng thiếu hụt i-ốt để đề xuất cho các cấp quản lý các giải pháp kịp thời, hiệu quả phòng ngừa CRLTI để không tái diễn tình trạng thiếu i-ốt và CRLTI trong cộng đồng.

    Sản xuất đa dạng các gia vị mặn và thực phẩm với muối đã bổ sung i-ốt đảm bảo tiêu chuẩn phòng bệnh, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, thị hiếu tiêu dùng của nhân dân trên toàn quốc.

    Thực hiện các biện pháp để đảm bảo các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề bổ sung vi chất vào thực phẩm theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP để thiết lập nguồn bổ sung i-ốt cho cộng đồng được thực thi hiệu quả.

     

    GS-TS. Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh: Việt Nam là nước nằm trong khu vực thiếu i-ốt. Các nghiên cứu ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương giai đoạn 2000-2010 chỉ rõ, các thực phẩm từ nuôi trồng tự nhiên ở các vùng miền trong nước đều có hàm lượng i-ốt không đáng kể, không thể đáp ứng nhu cầu cơ thể. Điều đó khẳng định i-ốt hóa muối ăn là giải pháp chiến lược của toàn cầu cũng như giải pháp của Việt Nam.

    Sử dụng gia vị bổ sung i-ốt trong nấu ăn hàng ngày là biện pháp phòng ngừa thiếu i-ốt hiệu quả và bền vững. Hiện trên thế giới đã có 130 quốc gia quy định bắt buộc bổ sung; 69 quốc gia (53%) yêu cầu sử dụng muối i-ốt cho thực phẩm chế biến.

    Theo Sức khỏe và đời sống