Lô vắc-xin Sinovac được khử khuẩn khi hạ cánh tại Philippines hôm 28/2

Người dân Philippines lo ngại trước sản phẩm từ Trung Quốc

Hình ảnh người đứng đầu một bệnh viện công nổi tiếng nhận mũi tiêm đầu tiên, trong số 600.000 liều vắc-xin Sinovac do Trung Quốc viện trợ, đã được chiếu trực tiếp trên kênh truyền hình nhà nước PTV.

Trong khi đợt tiêm chủng công khai hứa hẹn sẽ giảm bớt phần nào sự hoài nghi của công chúng về loại vắc-xin do Trung Quốc phát triển, thái độ của người dân thay đổi đáng kể khi chính phủ tuyên bố hôm 26/2 rằng nhân viên bệnh viện sẽ được tiêm vắc-xin Sinovac chứ không phải loại do Pfizer hoặc AstraZeneca phát triển.

Hiệp hội Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Philippines cho biết hôm 27/2 rằng Sinovac có “tỷ lệ không tán thành lên đến 95%” trong số các nhân viên của bệnh viện, dù một cuộc khảo sát trước đó cho thấy 94% sẵn sàng sử dụng Pfizer hoặc AstraZeneca. Hiệp hội phản đối những gì theo họ là thiếu dữ liệu khoa học, quy trình kiểm chứng xung quanh vắc-xin do Sinovac sản xuất - mà hiện vẫn chưa công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn ba.

Một nhân viên y tế nói với tờ South China Morning Post về lý do anh ta do dự khi nhận mũi tiêm Sinovac: "Nếu tôi tiêm vắc-xin và nó không hoàn toàn hiệu quả, thì làm sao tôi yên tâm khi dành thời gian cho gia đình?".

Philippines đã báo cáo hơn 2.000 trường hợp nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày trong 5 ngày qua, với tổng số hơn 578.000 ca nhiễm, 12.000 trường hợp tử vong từ đầu đại dịch.

Dữ liệu thiếu minh bạch, nhất quán

Singapore nhận được lô hàng vắc-xin Sinovac đầu tiên của Trung Quốc từ ngày 23/2 nhưng vẫn chưa cho phép sử dụng. Bilahari Kausikan - một cựu quan chức có ảnh hưởng tại Bộ Ngoại giao Singapore - tuyên bố: "Hiện tại, tôi sẽ không sử dụng bất kỳ loại vắc-xin nào của Trung Quốc vì không có đủ dữ liệu", và sẽ chỉ xem xét sử dụng khi có "một báo cáo thích hợp".

Tại châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn về công nghệ, quy trình đằng sau vắc-xin Sinovac. Ông Macron nói: “Tôi hoàn toàn không có thông tin gì về vắc-xin của Trung Quốc… Ít nhất chúng tôi cũng có thông tin về vắc-xin của Nga", trích dẫn một nghiên cứu được công bố trên tờ Lancet và các động thái của Nga trong việc đăng ký vắc-xin Sputnik V với Cơ quan Thuốc châu Âu.

Theo một tuyên bố được chính quyền Sao Paulo công bố vào tháng 1/2021, loại vắc-xin COVID-19 hàng đầu của Trung Quốc do Sinovac Biotech phát triển chỉ có hiệu quả 50,38% trong các thử nghiệm giai đoạn cuối ở Brazil.

Mặc dù con số này vượt quá ngưỡng cần thiết để được cơ quan quản lý phê duyệt, nhưng nó lại thấp hơn nhiều so với mức 78% được công bố trước đó, đặt ra câu hỏi về tính xác thực của dữ liệu và làm dấy lên sự hoài nghi về sự thiếu minh bạch liên quan đến vắc-xin Trung Quốc.

Vắc-xin chuẩn bị được gửi đi từ khu vực đóng gói của Sinopharm

Người dân Trung Quốc cũng e ngại tiêm chủng

Khi Trung Quốc gửi hàng triệu liều vắc-xin đến các quốc gia mà họ hy vọng sẽ gây ảnh hưởng, những công dân trên 60 tuổi tại đại lục dường như bị bỏ lại phía sau.

Vấn đề làm nổi bật sự khác biệt về chính sách của Bắc Kinh so với nhiều quốc gia phương Tây - nơi thúc đẩy y tế cộng đồng tập trung vào việc tiêm chủng càng sớm càng tốt cho người lớn tuổi vì họ có nhiều khả năng nhiễm bệnh và phải nhập viện, so với những người trẻ tuổi.

Wang Bin - quan chức Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc - cho biết hôm 13/2 rằng, nước này đang tập trung vào việc tiêm chủng cho những người từ 18-59 tuổi có nguy cơ nhiễm và khả năng lây lan virus cao.

Đồng thời, một số chính quyền cấp tỉnh không tiêm vắc-xin cho người cao tuổi do lo ngại về tính an toàn, bởi thử nghiệm lâm sàng trên người già vẫn đang diễn ra.

Bên cạnh đó, chương trình tiêm chủng của Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của các chính sách ngăn chặn. Những biện pháp phong tỏa, giãn cách vào năm 2020 đã giúp kiểm soát đại dịch, và giảm số ca bệnh, từ đó động cơ tiêm chủng cũng giảm theo.

Thêm nữa, việc các nhà sản xuất vắc-xin Sinopharm, Sinovac và CanSino không công bố dữ liệu thử nghiệm toàn diện đã làm suy giảm lòng tin của một số chuyên gia y tế. Trong khi đó, nhiều người dân Trung Quốc đang chần chừ xem liệu vắc-xin có gây ra tác dụng phụ không mong muốn cho những người khác hay không, trước khi quyết định đi tiêm chủng.

Vắc-xin COVID-19 nhận về sự ghẻ lạnh từ thế giới vì thiếu dữ liệu minh bạch

Nhà thăm dò ý kiến toàn cầu Ipsos chỉ ra rằng 85% người Trung Quốc có ý định tiêm phòng, khiến họ nằm trong số những người sẵn sàng sử dụng vắc-xin nhất thế giới. Nhưng nghiên cứu không hỏi những người tham gia rằng họ muốn tiêm khi nào.

Một cuộc khảo sát khác của công ty nghiên cứu thị trường Gavekal Dragonomics có trụ sở tại Bắc Kinh cho thấy rằng trong số 307 người được hỏi tại thủ đô, hơn một nửa không có kế hoạch tham gia đợt tiêm chủng hiện tại. Riêng cuộc khảo sát được công bố vào tháng 2/2021 bởi một tạp chí y khoa Trung Quốc cho thấy, trong số 756 nhân viên y tế được hỏi ở tỉnh Chiết Giang, chỉ 28% sẵn sàng tiêm vắc-xin.

Theo The Washington Post, Trung Quốc sẽ sản xuất đủ liều lượng vào cuối năm để đáp ứng tiêm chủng cho 70% trên tổng số 1,4 tỷ dân của mình. Nhưng thay vì giữ tất cả 2 tỷ liều thuốc dự kiến cho nội địa, Trung Quốc đã vận chuyển hàng triệu liều tới các quốc gia đang phát triển và cam kết hàng trăm triệu liều nữa. Một phương án “ngoại giao vắc-xin” mà nước này đang đẩy mạnh.

Theo phunuonline