Từ nước đi đầu trong loại trừ rối loạn do thiếu i-ốt…

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 1993 có tới 94% dân số nước ta nằm trong vùng thiếu i-ốt, tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em từ 8 - 12 tuổi là 22,4%. Vì thế, từ năm 1994, Chương trình quốc gia phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt đã được triển khai thực hiện.

Đến năm 2005, nước ta đã trở thành một trong những nước đi đầu trong công cuộc loại trừ tình trạng rối loạn do thiếu hụt i-ốt với hơn 90% hộ gia đình đã được sử dụng muối i-ốt đầy đủ trong giai đoạn 2005 - 2006; tỷ lệ mắc mới bướu cổ ở trẻ em trong độ tuổi đi học thấp hơn ngưỡng của Tổ chức Y tế Thế giới 5%.

Tuy nhiên, những kết quả này đã không được duy trì kể từ khi Chương trình quốc gia phòng, chống các rối loạn do thiếu i-ốt ra khỏi Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế vào năm 2005.

… đến khuyến cáo mạnh mẽ của WHO và UNICEF

Theo kết quả điều tra trẻ em 8 - 10 tuổi toàn quốc năm 2014, tỷ lệ bướu cổ đối với trẻ em độ tuổi này đã lên tới 9,8%; mức i-ốt niệu trung vị của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm còn 7,5mcg/dl, mức cảnh báo nguy cơ phát triển không đầy đủ của trẻ sơ sinh…

Các chuyên gia nhận định: Tình trạng báo động về thiếu hụt iốt đã quay trở lại Việt Nam.

Trước đó, chương trình điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ (MICS) năm 2011 chỉ ra rằng chỉ có 45% hộ gia đình ở Việt Nam đang sử dụng muối I-ốt, thấp hơn nửa so với mức khuyến cáo toàn cầu về phổ cập sử dụng muối I-ốt toàn dân.

Còn trong báo cáo của bà Karen Codling, Chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe công đồng của UNICEF, công bố tháng 9/2012, tỉ lệ sử dụng muối i-ốt tại Hà Nội từ 100% năm 2005 đã xuống chỉ còn 26% vào tháng 9/2008.


Cùng với đó, thói quen sử dụng muối cũng thay đổi rất nhiều. Như điều tra tại huyện Thanh Oai, Hà Tây cũ, tỉ lệ tiêu thụ muối chỉ còn 6%, trong khi tỉ lệ sử dụng nước mắm là 32% và hạt nêm là 35%.

Trong bối cảnh đó, Nghị định 09/2016/ND-CP về việc bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào muối, bột mì, dầu ăn và sử dung muối i-ốt và bố sung vi chất trong chế biến thực phẩm đã ra đời đồng thời kế hoạch khởi động lại chương trình Phòng chống Các rối loạn do Thiếu i-ốt ở Việt Nam cũng được xúc tiến.

Theo đánh giá của WHO và UNICEF, Nghị định cũng phù hợp với các khuyến nghị quốc tế về một chiến lược có hiệu quả cao với chi phí thấp giúp phòng ngừa và kiểm soát thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, cũng như cho thấy cam kết của Chính phủ trong lĩnh vực cải thiện sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, WHO và UNICEF nhận thấy Nghị định chưa được thực hiện sau hơn 2 năm ra đời, mặc dù Chính phủ Việt Nam đã hành động rất tích cực vì sức khoẻ cộng đồng để phòng chống và kiểm soát thiếu hụt vi chất.

​Do đó, ngày 7/6 vừa qua, WHO và UNICEF mạnh mẽ khuyến cáo Chính Phủ Việt Nam tang cường thực hiện Nghị định 09, bao gồm đảm bảo thực phẩm được chế biến bằng muối I-ốt và bột mì đã được bổ sung vi chất, còn doanh nghiệp thì cần được tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo sự tuân thủ của họ.

Các doanh nghiệp chế biến và phân phối thực phẩm cần được hỗ trợ với các quy định rõ ràng hướng dẫn thực hiện Nghị định và sử dụng nguyên liệu đã bổ sung vi chất để chế biến thực phẩm.

Hiện đã có 108 quốc gia đang bắt buộc bổ sung I-ốt vào muối ăn, có 98 nước yêu cầu dùng muối đã bổ sung I-ốt cho thực phẩm chế biến. Bởi việc tăng cường vi chất vào thực phẩm, bao gồm cả việc sử dụng nguyên liệu đã được bổ sung vi chất trong chế biến thực phẩm, vốn là một xu hướng toàn cầu, không gây ra tác động bất lợi nào lên thành phẩm cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bổ sung vi chất vào thực phẩm góp phần tạo ra một lực lượng dân số khoẻ mạnh và thông minh sẽ đóng góp nhiều lợi ích hơn cho xã hội và sự phát triển của quốc gia, bao gồm phát triển năng lực cạnh tranh.

Theo Dân trí