Bà Hải (66 tuổi) tới cấp cứu tại Bệnh viện Trưng Vương trong tình trạng đau trướng bụng, người xanh xao, choáng váng... Khám ban đầu, bác sĩ nghi tắc ruột hoặc thủng tạng rỗng. Tuy nhiên, sau khi chụp CT thì phát hiện túi phình động mạch chủ, các quai ruột trướng do phản ứng đau và phản xạ đau, thiếu máu nuôi... Với tình trạng bệnh nặng và khi xử trí rất phức tạp nên bệnh nhân nhanh chóng được chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi có kinh nghiệm xử trí tình trạng bệnh lý này.

Theo BS. Trần Minh Thiệu (Bệnh viện Trưng Vương), phình động mạch chủ bụng thường diễn biến âm thầm, không có triệu chứng rõ rệt. Khi đoạn động mạch chủ bị phình quá mức thì chỉ có biểu hiện đau bụng và đau lưng nhẹ, nên bệnh nhân rất dễ chủ quan. Như trường hợp của bà Hải, thấy đau bụng bà đã dùng dầu gió để xoa cho dịu bớt. Khi đau không chịu nổi bà mới chịu đến bệnh viện, lúc này các triệu trứng đã bị che mờ khiến bác sĩ khám bệnh cũng gặp khó khăn trong chẩn đoán, phải nhờ đến các biện pháp cận lâm sàng mới tìm ra được bệnh.

BS. Thiệu cũng cho biết: Vấn đề lo ngại nhất của phình động mạch chủ là bị vỡ. Do các thành của đoạn phình động mạch yếu hơn và có thể không chịu đựng được áp lực bên trong của mạch máu. Khi động mạch chủ bị vỡ, xuất huyết nội tạng rất nghiêm trọng gây mất máu nhiều đột ngột, tỉ lệ tử vong là rất cao. Chính vì thế, phình động mạch chủ phải được cấp cứu sớm.

BS. Thiệu cũng đưa ra lời khuyên cho bệnh nhân rằng, đau bụng có thể là triệu chứng thông thường, nhưng cũng có thể là một cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm như: phình động mạch chủ; đau ruột thừa hoặc chửa ngoài tử cung (với phụ nữ đang độ tuổi sinh đẻ). Do đó, khi thấy đau bụng mà chưa rõ nguyên nhân thì bệnh nhân tuyệt đối không nên sử dụng thuốc giảm đau hoặc dầu gió. Mặc dù các biện pháp này có thể giúp bệnh nhân giảm nhẹ triệu chứng, nhưng nó lại mang đến tác hại khó lường.

Theo Sức khỏe và đời sống