Thuốc diệt dục có thể dưới dạng thuốc viên hoặc thuốc tiêm


Năm 1996, California là bang đầu tiên ở Mỹ thông qua đạo luật cho phép thực hiện biện pháp diệt dục bằng hóa chất đối với người nhiều lần phạm các tội xâm phạm tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm…).

Diệt dục bằng hóa chất là gì?

Diệt dục bằng hóa chất không phải xử lý bằng phẫu thuật mà là dùng thuốc để ức chế hoạt động của cơ quan sinh dục nhằm làm giảm nội tiết tố testosterone.

Thuốc chỉ tác động làm giảm ham muốn tình dục nên người bị tiêm thuốc vẫn có thể quan hệ tình dục bình thường.

Các loại thuốc thường được sử dụng gồm có cyproterone và leuprorelin, các biệt dược kháng androgen tác động lên nội tiết tố.

Bác sĩ là người kê toa thuốc. Người sử dụng có thể uống thuốc viên hoặc được tiêm mỗi ngày, mỗi tháng hay mỗi quý tùy loại thuốc.

Khác với diệt dục bằng phương pháp phẫu thuật, diệt dục bằng hóa chất không có tác dụng vĩnh viễn. Khi ngừng dùng thuốc, tỉ lệ nội tiết tố testosterone lại tăng lên.

Sau California, các bang ở Mỹ như Florida, Georgia, Louisiana, Montana, Oregon, Wisconsin đã ban hành luật tương tự.

Tháng 2-2018, nghị sĩ Rick West ở bang Oklahoma đã trình dự luật quy định bị cáo phạm các tội xâm phạm tình dục được quyền chọn biện pháp diệt dục bằng hóa chất để khỏi ngồi tù. Nếu bị cáo tái phạm, không cần hỏi bị cáo, tòa sẽ bắt buộc bị cáo áp dụng biện pháp nêu trên trong trường hợp cần thiết.

Điều trị bằng thuốc tiêu hủy ham muốn nhưng không ngăn cản trạng thái tự động cương".

Bác sĩ Pháp Jacques Waynberg 

Tranh luận về thuốc diệt dục

Không có số liệu chính xác nhưng đến nay dường như rất ít có trường hợp áp dụng biện pháp diệt dục bằng hóa chất. Tại bang California chỉ có hai người. Hãng tin AP ghi nhận trong 10 năm qua chỉ có một ca ở bang Montana và một ca ở bang Louisiana.

Các công trình nghiên cứu cho thấy biện pháp diệt dục bằng hóa chất không hiệu quả đối với mọi đối tượng phạm các tội xâm phạm tình dục.

Giáo sư William Green đánh giá thuốc Depo-Provera dùng để điều trị
cho người phạm các tội xâm phạm tình dục không hiệu quả


Thuốc chỉ có tác dụng chủ yếu đối với người phạm tội do xung động tình dục vì mức testosterone tăng cao chứ "bó tay" đối với người phạm tội tình dục do tức giận, hung hăng, muốn áp chế hay người thiếu nhận thức.

Giáo sư William Green ở Đại học công lập Morehead (bang Kentucky) đánh giá các công trình nghiên cứu về thuốc Depo-Provera "không cung cấp cơ sở khoa học vững chắc để thẩm định tính chất độc hại và hiệu quả" trong điều trị người phạm các tội xâm phạm tình dục.

Nhiều ý kiến chỉ trích bị cáo bị ép dùng thuốc diệt dục đã bị ảnh hưởng đến tinh thần và thuốc gây nhiều tác dụng phụ như tăng cân, bứt rứt, các vấn đề về xương. Điều quan trọng là làm sao chắc chắn bị cáo được trả tự do sẽ tiếp tục điều trị?

Indonesia bắt buộc áp dụng biện pháp diệt dục bằng hóa chất từ năm 2016.
Trong ảnh là một phiên tòa xét xử các bị cáo phạm tội hiếp dâm trẻ em


Nhiều người khác lại nghĩ rằng diệt dục bằng hóa chất là giải pháp tốt.

Một nam công dân trạc 30 tuổi có gia đình ở bang Texas kể với tạp chí The Chronicle of Higher Education năm 2011 anh ta bị bắt vì có hành vi dâm ô với trẻ em. Ba năm sau anh ta được điều trị bằng thuốc Lupron vốn là thuốc điều trị ung thư tuyến tiền liệt.

Người này tâm sự: "Cuộc đời tôi đã hoàn toàn thay đổi. Tôi thực sự bị nghiện. Tôi run lên với suy nghĩ đến nơi nào mà không có thuốc". Anh thừa nhận sự lôi cuốn đối với trẻ em không phải hoàn toàn biến mất nhưng từ nay đã được kiềm chế

Pháp muốn bắt buộc dùng thuốc chứ không để tự nguyện

Tại châu Âu, Đức là nước đầu tiên cho phép áp dụng biện pháp diệt dục bằng hóa chất vào năm 1969. Đến nay đã có nhiều nước áp dụng như Thụy Điển, Đan Mạch, Bỉ, Ba Lan.

Tháng 2-2012, Nga ban hành đạo luật bắt buộc người phạm tội tình dục với người chưa đến 14 tuổi phải bị diệt dục bằng hóa chất. Hàn Quốc áp dụng từ năm 2012. Indonesia bắt buộc áp dụng từ năm 2016.

Tại Pháp, từ năm 1998 luật quy định phạm nhân phạm lần thứ hai các tội xâm phạm tình dục với người dưới 13 tuổi có thể tự nguyện điều trị bằng thuốc Depo-Provera hằng tuần hay diệt dục bằng phẫu thuật.

Người không tham gia không được giảm án hay được trả tự do có điều kiện. Sau đó, nhiều dự luật đã được đệ trình đề nghị bắt buộc áp dụng biện pháp này nhưng đều bị bác.

Theo Tuổi trẻ