Minh họa

Hậu quả của sự … “vội vàng”

Mới đây, TAND huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, đã mở phiên tòa xét xử vụ ly hôn giữa bà Đ.T.T và ông L.T.P. Theo trình bày của nguyên đơn, bà T. và ông P. kết hôn vào năm 1996. Đến năm 2015, vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Từ tháng 3/2016, vợ chồng bà ly thân, bà về nhà mẹ ruột ở huyện Phú Hòa sinh sống.

Sau đó bà yêu cầu ly hôn. Vợ chồng không có con chung nên không yêu cầu tòa án giải quyết. Tài sản chung cũng không yêu cầu tòa án giải quyết. Tuy nhiên, ông P. yêu cầu tòa buộc bà T. phải bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín cho ông và gia đình ông số tiền 30 triệu đồng. Lý do: Trong thời gian còn là vợ ông, bà T. quan hệ, dẫn đến có thai với người đàn ông khác.

Tại phiên tòa, bà T. thừa nhận đang có thai 5 tháng và ông P. không phải là “tác giả”. Sau khi xem xét các yếu tố, tòa nhận định việc bà T. có thai với người khác không khiến sức khỏe và tinh thần của ông P. bị ảnh hưởng, nên bác yêu cầu bồi thường của ông P.

Bởi mặc dù cả bà T. và ông P. đều đồng ý sẽ giải quyết chuyện ly hôn nhưng trên thực tế, quan hệ hôn nhân giữa họ vẫn tồn tại, vẫn được đặt dưới sự điều chỉnh của luật pháp. Vì thế, bất cứ mối quan hệ “ngoài luồng” nào cũng đều có thể dẫn tới việc vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Đằng này, việc bà T. cùng một người đàn ông khác quan hệ dẫn đến có thai, càng chứng minh cho sự vi phạm đó là có thật. Hành vi này đã được quy định rõ tại khoản 2, Điều 5, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Cấm các hành vi sau đây: (…) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”.

Để xác định bằng chứng pháp lý về mối quan hệ “ngoài luồng” dẫn tới có thai của bà T. trong trường hợp nói trên cũng khá đơn giản, trong đó phương pháp phổ biến nhất là xét nghiệm ADN.

Một khi đã xác định rõ mọi vấn đề thì không chỉ “tác giả” của thai nhi bị xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ ở mức 1-3 triệu đồng, mà cả bà T. cùng người đàn ông nọ còn có thể bị truy cứu hình sự nếu cơ quan chức năng phát hiện thêm những dấu hiệu vi phạm khác. Ví dụ, người đàn ông này cũng đang có gia đình và sự có mặt của bà T. khiến gia đình này tan vỡ.

Nhiều hệ lụy phức tạp, lâu dài

Giai đoạn “chờ ly hôn” được coi là khoảng thời gian “nhạy cảm”, có thể phát sinh nhiều vấn đề và để lại nhiều hệ quả phức tạp, lâu dài. Việc quan hệ với người khác trong khi “chờ ly hôn” dẫn đến có thai có thể gây nên những rắc rối về pháp lý.

Về phía người phụ nữ, việc để cho có thai trong thời điểm này là đầy rủi ro. Ngoài rủi ro về pháp lý khi có thể bị kết tội “vi phạm chế độ một vợ một chồng”, còn có thể bị người chồng hợp pháp lấy đó làm lý do để yêu cầu hạn chế nhiều quyền lợi khi ly hôn.
 
Một rủi ro khác, đó là người chồng có thể lợi dụng việc người vợ sắp ly hôn có thai để sử dụng nhiều “chiêu trò” bạo lực tinh thần, khiến người vợ lâm vào cảnh “dở sống dở chết”, “tiến thoái lưỡng nan”.

Ngay cả khi việc ly hôn hoàn tất, việc làm khai sinh cho đứa trẻ sau khi sinh cũng có thể gặp không ít rắc rối – nếu như người phụ nữ chưa thể chính thức kết hôn với người cha của đứa trẻ.

Theo quy định, đứa trẻ sẽ phải mang họ mẹ trước khi cải chính sang họ cha (theo Điều 27, Khoản 1 điểm d Bộ luật Dân sự); hoặc phải trải qua quá trình xác định cha cho đứa trẻ thì mới tiếp tục làm thủ tục để chuyển sang họ cha (theo Điều 66, Luật Hôn nhân và Gia đình ).

                                                               Theo Phunuvietnam.vn