Fraiber, 8 tuổi, chơi cùng chó trong nhà ông bà ở Catia, Caracas, hôm 20/8. Ảnh: AFP.

Bố mẹ của Frankeiber nằm trong số 3,6 triệu người chạy trốn khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế Venezuela từ năm 2016, theo Liên Hợp Quốc. Còn cậu là một trong số hàng trăm nghìn đứa trẻ Venezuela bị bỏ lại quê nhà.

Mẹ Frankeiber rời bỏ đất nước đến Peru kiếm tiền gửi về nhà khi cậu 16 tuổi. Một năm sau, bố đi theo mẹ. Từ khi họ đi, mỗi dịp sinh nhật hay tụ họp của gia đình đều kết thúc trong nước mắt.

"Cảm giác rất tệ", Frankeiber, giờ đây 18 tuổi, nói. "Đôi lúc tôi bị trầm cảm nhưng vẫn hy vọng bố mẹ sẽ sớm quay lại".

Theo tổ chức phi chính phủ Cecodap, cứ 4 người di cư Venezuela thì một người phải bỏ lại con cái ở quê nhà, nơi đang thiếu hụt nghiêm trọng lương thực và thuốc men. "Có khoảng 846.000 trẻ em bị bỏ lại", Abel Saraiba, giám đốc Cecodap, cho hay.

Ông bà ngoại của Frankeiber nuôi nấng cậu và em trai Fraiber, 8 tuổi, trong ngôi nhà ở vùng ngoại ô Catia, phía tây thủ đô Caracas. Họ sống dựa vào số tiền các con đi làm trong một nhà hàng ở Peru gửi về.

Đồng đôla Mỹ đóng vai trò như một lá chắn chống siêu lạm phát ở Venezuela. Người Venezuela sống ở nước ngoài chuyển về nước hơn 3 tỷ USD trong năm ngoái, theo ước tính của công ty Econanalitica.

Estelita, 58 tuổi, bà ngoại của Frankeiber, biết ơn con gái vì gửi tiền về nhưng "thà nó ở đây còn hơn vì con bé cứ nói với tôi suốt rằng 'con đang đánh mất tình yêu của con trai'".

Thời gian trôi qua, Fraiber càng ngày càng ít nói chuyện với mẹ và dành nhiều thời gian chơi game hơn. Trẻ em lớn lên mà không có cha mẹ bên cạnh thường dễ cáu kỉnh, trầm cảm, ngỗ ngược, Saraiba cho hay.

Xavier, 11 tuổi, đêm nào cũng khóc từ khi mẹ rời đi một năm trước. "Mẹ ơi, con nhớ mẹ", cậu bé viết trong những lá thư chưa bao giờ gửi.

Carmen Lugo, bà ngoại cậu bé, chăm sóc 4 đứa cháu từ khi hai con gái rời quê nhà sang Madrid. Bà nấu nướng, tắm giặt cho các cháu, đưa cháu đi học mỗi sáng. Ban đêm, bà ngủ chung với các cháu vì nhà cửa chật chội.

Cuộc khủng hoảng ở Venezuela đang tạo ra một thế hệ "gia đình xuyên quốc gia" với mối liên kết duy nhất là những cuộc trò chuyện qua ứng dụng WhatsApp và các khoản kiều hối, theo nhà xã hội học Claudia Vargas. Các nhà tâm lý học trẻ em cảnh báo cha mẹ không nên hứa hẹn sẽ quay về thăm con khi không thể thực hiện, bởi điều đó sẽ làm tổn thương con trẻ. 

Andreina, 15 tuổi, chấp nhận rằng sẽ không thể sớm gặp lại bố mẹ đang làm việc ở Costa Rica. Cô bé hy vọng được sống cùng mẹ ở Curacao, đảo quốc ở phía bắc Venezuela.

"Tôi muốn con bé đến chỗ mẹ nó, không phải vì tôi ngại chăm cháu mà vì muốn tốt cho nó", Minu, bà ngoại của Andreina, người đã chăm sóc cô bé suốt 3 năm qua, nói.

Bà Minu Vasquez, 64 tuổi, khóc khi nhắc tới cháu phải xa bố mẹ vì các con phải tha hương kiếm tiền. Ảnh: AFP.

Nhưng không rõ Andreina có được phép tới Curacao hay không, bởi luật pháp Venezuela cấm trẻ vị thành niên ra nước ngoài mà không có bố mẹ đi cùng.

"Cháu sẽ rất vui nếu được ở cùng mẹ, nhưng cũng buồn vì phải xa bà", Andreina nói, cho hay bà ngoại 64 tuổi đã trở thành "người bạn thân nhất" của mình.

Theo vnexpress