Mary Morgan đã làm việc cho SkyWest, hãng hàng không có đội bay lớn nhất khu vực Bắc Mỹ, suốt 14 năm qua. Còn hắn ta là một phi công làm cùng hãng và Morgan từng coi là bạn. Morgan vốn rất yêu nghề nhưng một năm rưỡi qua, nữ tiếp viên hàng không này luôn sống trong sợ hãi và bất an, CNN đưa tin.

Morgan tìm mọi cách để tránh không bị xếp chung chuyến bay với gã. Mỗi lần dừng chân tại sân bay quốc tế Seattle - Tacoma, nơi đặt trụ sở của hãng SkyWest, cô lại chạy như bay đến văn phòng để đảm bảo được phân công bay những tuyến cách xa đường mà gã thường xuyên bay. Đề phòng bất trắc, cô nắm rõ kiểu chuyến bay và cả loại máy bay gã quen lái. Trong những trường hợp bất khả kháng, cô sẽ trốn trong máy bay và cố gắng không xuất hiện ở những khu vực nghỉ ngơi của các phi hành đoàn trong sân bay cho đến khi chắc chắn chiếc máy bay mà hắn cầm lái đã cất cánh.

"Tôi cảm thấy kiệt sức và lãng phí thời gian đồng thời việc này thật sự trái đạo đức vì một mình tôi phải đối mặt với tất cả những thứ này trong khi hãng không làm gì để giúp cả", nữ tiếp viên 39 tuổi bộc bạch.

Morgan không phải là trường hợp cá biệt bị xâm hại tình dục trong ngành hàng không. "Không chỉ phi công có thái độ thô lỗ với tiếp viên mà hành khách cũng thường xuyên có thái độ không đúng mực như bình luận thô thiển hoặc động chạm chúng tôi", Morgan nói. Theo một khảo sát vừa được công bố, 68% tiếp viên hàng không Mỹ từng bị hành khách xâm hại ít nhất một lần. 

Morgan quyết định kiện hãng hàng không ra tòa vì cho rằng SkyWest phải chịu trách nhiệm cho hành động của cơ trưởng Robert Rowe, người bị cáo buộc hãm hiếp nữ tiếp viên hàng không ở một chặng dừng vào tháng 11/2016. Dù Morgan ngay sau đó báo sự việc với cảnh sát, cơ quan công tố bác hồ sơ vụ án vì cho rằng không có đủ bằng chứng. 

'Tôi cần được giúp đỡ'

Morgan cho biết cô từng coi cơ trưởng Rowe là bạn. Ngoài công việc, họ đi chơi cùng nhau một vài lần, Rowe từng vài lần mời cô cùng đi xem các trận khúc côn cầu trên băng trong khoảng thời gian chờ nối chuyến. Và trong một lần như thế, Morgan trình bày trong đơn kiện, cô bị nam đồng nghiệp hơn 15 tuổi hãm hiếp. 

Nữ tiếp viên nhớ lại hai người đi uống với nhau vài ly sau trận đấu. Khi Morgan nói cô cảm thấy mệt và muốn về khách sạn ngủ, cơ trưởng cố nài nỉ cô ở lại thêm một chút. Ra khỏi phòng vệ sinh, Morgan định bụng uống nốt một ly nữa rồi ra về. Nhưng đó là sự việc cuối cùng cô còn nhớ về đêm hôm đó. 

Morgan không thể nhớ mình đã về khách sạn bằng cách nào và vì sao cô lại ngủ trong phòng của Rowe mặc dù cô chắc chắn mình không say. Sáng hôm sau, tỉnh dậy, Morgan không một mảnh vải nằm trên bên cạnh Rowe và trên người đầy các vết bầm tím. Cô biết mình đã bị cưỡng hiếp. 

Tuần sau đó, Morgan báo cáo sự việc với đội trưởng phụ trách tổ tiếp viên và cũng là một người bạn lâu năm. Nhưng trái với dự đoán, lời kêu cứu của cô đã bị phủ nhận một cách phũ phàng. Morgan cảm thấy tổn thương trước thái độ thờ ơ của cấp trên.

Chỉ đến khi Morgan quyết định thảo một lá đơn chính thức và gửi lên cấp giám đốc điều hành, hãng hãng không mới mở một cuộc điều tra nội bộ. Tuy nhiên, trong thời gian chờ kết quả điều tra, hãng từ chối yêu cầu của cô muốn giữ khoảng cách với cơ trưởng Rowe. "Tôi đi làm với tâm trạng đầy sợ hãi", nữ tiếp viên nói. "Tôi phát ốm, căng thẳng và hoảng loạn. Tôi cần được giúp đỡ". 

Morgan đã giảm giờ bay xuống còn một nửa so với trước kia. "Về mặt tinh thần tôi không thể bước chân ra khỏi nhà nhưng vẫn phải cố gắng đối mặt với hậu quả của sự việc", cô tâm sự.

Bạn bè của Morgan cho biết họ không dám chắc cô còn đủ can đảm để hẹn hò một người đàn ông khác hay tìm hạnh phúc cho bản thân. "Bạn chứng kiến những lúc cô ấy run lên vì sợ hãi cơ", Nicole Smith, bạn thân của Morgan, nói về nỗi ám ảnh và "căng thẳng tột độ" của Morgan mỗi lần nhắc đến công việc. 

Theo VNExpress