Anh Lê Quang Hào, bố bé Linh đứng tại các ga tàu điện ngầm,
điểm đông người để xin chữ ký



Dư luận tại Việt Nam và Nhật Bản đang chờ đợi công lý từ phiên tòa xét xử vụ sát hại bé Nhật Linh. Phiên tòa sẽ bắt đầu vào ngày 4.6 và kéo dài khoảng 2 tuần. Bên công tố viên sẽ đưa ra mức án đề nghị vào ngày 18.6.
Chị Nguyễn Thị Nguyên, mẹ bé Linh, sẽ quay lại Nhật Bản vào ngày 10.6 và dự kiến sẽ xuất hiện tại phiên tòa đòi công lý cho con gái vào ngày 12.6.
Tháng 3.2017, bé Lê Thị Nhật Linh (lúc đó 9 tuổi) đã bị sát hại. Cảnh sát đã bắt giữ nghi phạm Shibuya Yasumasa sau khi thu thập được bằng chứng như mẫu ADN và tóc của Nhật Linh trong xe hơi của Shibuya. Sau đó, cơ quan kiểm sát đã khởi tố Shibuya về tội giết người. Shibuya là hội trưởng hội phụ huynh tại ngôi trường mà bé Nhật Linh từng đi học.
Từ nhiều tháng nay, gia đình bé Linh ra sức kêu gọi mọi người ở cả Nhật Bản và Việt Nam góp chữ ký để gửi lên tòa án yêu cầu trừng phạt nghiêm khắc nhất đối với kẻ sát hại bé. Tính đến nay, gia đình đã nhận được hơn 1 triệu chữ ký của người Việt và 69.000 chữ ký của người Nhật.
Chị Nguyên hy vọng tòa án sẽ thực thi công lý và bảo vệ trẻ em thông qua bản án nghiêm khắc để mọi trẻ em không bao giờ trở thành nạn nhân như bé Linh, theo Nikkei Asian Review
Mặc dù việc thu thập chữ ký không có giá trị pháp lý trong xử án và không có tác dụng đẩy nhanh tiến trình xét xử, tuy nhiên, việc này có ý nghĩa giúp tòa án hiểu được sự phẫn nộ, đau đớn của gia đình và cộng đồng. Nói cách khác, đây là “tình tiết tăng nặng” để tòa án khép kẻ phạm tội vào khung tử hình hay chỉ ngồi tù giam. Xã hội Nhật Bản cũng coi việc thu thập chữ ký là chính đáng.
Án tử hình ở Nhật Bản được áp dụng đối với tội giết người, chủ yếu là trường hợp tội phạm giết nhiều người. Chia sẻ với Thanh Niên, một phóng viên tờ The Japan Times ở Nhật Bản cho hay án tử hình hiếm khi được áp dụng với trường hợp giết một người, ngoại trừ những vụ ra tay quá sức tàn độc.
Độ tuổi tối thiểu chịu án tử hình tại Nhật Bản là 18 và việc thi hành án được thực hiện bằng biện pháp treo cổ. Tòa án nước này xem xét hình phạt tử hình theo 9 tiêu chí, gồm mức độ tàn ác; động cơ; cách thức phạm tội; hậu quả của hành vi tội ác, đặc biệt là số lượng nạn nhân; cảm xúc của gia đình nạn nhân; ảnh hưởng của hành vi tội ác đối với xã hội; độ tuổi của bị cáo; tiền án tiền sự; mức độ hối hận của bị cáo.

Theo Thanh niên