Rất nhiều người lợi dụng sơ hở của pháp luật để trốn việc cấp dưỡng nuôi con.
Trong ảnh, luật sư Lâm Quang Quý đang tư vấn cho thân chủ.


Thời còn công tác tại cơ quan thi hành án tỉnh Cà Mau, ông Vũ Thanh Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận 5 (TP HCM) được phân công giải quyết việc người cha tên Tuấn cố tình không cấp cho con một tháng 15kg gạo. Suốt hơn 5 năm, họ dùng đến các biện pháp cưỡng chế, phối hợp với địa phương can thiệp nhưng chẳng được.

Ông Xuân cho biết, người đệ đơn đòi cấp dưỡng là bà ngoại bé hơn 70 tuổi. Con gái bà đi làm công nhân ở xa nên gửi con cho bố mẹ chăm. Để yêu cầu cha bé thực hiện nghĩa vụ, bà phải lên tận cơ quan thi hành án của huyện, đường đi lại khó khăn, phải di chuyển bằng ghe, nhất là mùa mưa nước sông dâng cao. Vậy mà người cha cứ khất hết lần này đến lần khác.

Biện pháp nhẹ không được, ông Xuân ra biên bản xử phạt hành chính. Đang ở ngoài đồng làm cỏ lúa, nghe tin, anh Tuấn tức tốc về nhà, tỏ vẻ lo sợ. “Yêu cầu đóng phạt xong, tôi nhẹ nhàng ngồi trò chuyện cùng người cha, mục đích tìm hiểu lý do tại sao lại trốn tránh trách nhiệm với chính con mình", ông Xuân kể.

Hóa ra, hai anh chị nhà ở đối diện nhau, yêu và đã tính đến chuyện cưới. Khi chị Bình mang thai, mẹ chị cho rằng nhà trai lừa đảo nên ngày nào cũng hướng sang nhà đối diện mắng. Thấy thế, gia đình anh Tuấn hủy kèo. Chị Bình sinh con cũng là lúc anh có người mới. Bà Nga tiếp tục chửi cho bõ tức. Sự việc chỉ kết thúc bằng biên bản của công an. Ngay sau đó, mẹ chị kiện yêu cầu anh cấp dưỡng nuôi con và được tòa chấp nhận.

“Ban đầu, tôi rất muốn làm tròn trách nhiệm, nhưng mỗi lần qua thăm con lại bị lăng mạ, vì thế, cố tình làm thế cho bõ tức”, anh Tuấn nói. Khi ông Xuân đưa ra những yếu tố pháp luật để giải thích, người cha ấy đã thực hiện nghĩa vụ với con, gộp số gạo phải đóng đến năm con 18 tuổi trả vào một lần duy nhất.


Gần đây là câu chuyện của chị Minh (34 tuổi, quận 12, TP HCM). Hơn 5 năm qua, chị tìm chồng cũ nhiều nơi để yêu cầu cấp cho con trai 3 triệu một tháng mà vô vọng. Anh Hưng (31 tuổi) làm nghề thu mua nông sản nên nay đi tỉnh này, mai lại tỉnh khác, thu nhập bấp bênh. Một mình chị nuôi bé Khang, 11 tuổi, vô cùng vất vả và thiếu thốn. Từng có gần 30 năm trong nghề, ông Xuân nhận thấy, trường hợp chịu cấp dưỡng do bị chế tài bằng pháp luật như anh Tuấn hiện rất hiếm. Đa số đều tìm cách trốn tránh, gây khó khăn cho cơ quan thi hành án. 

Ban đầu, bé Khang còn nhỏ, chi phí ít, anh Hưng cấp dưỡng 2 triệu một tháng. Từ khi con trai bước vào học cấp một, chi phí nhiều hơn, chị Minh yêu cầu chồng cũ tăng thêm một triệu. Anh Hưng đồng ý. Thế nhưng, anh tháng nhớ tháng quên, chị Minh chỉ biết dài cổ chờ đợi. Quá bức xúc, chị đi gặp luật sư để được tư vấn, giúp mình làm đơn kiện.

Tiếp nhận câu chuyện, luật sư Lâm Quang Quý, Đoàn luật sư TP HCM nhận thấy, tổng số tiền được cấp dưỡng của bé Minh tính đến năm 18 tuổi không nhiều, nếu đưa ra tòa sẽ mất thời gian và nhiều chi phí khác mà chưa chắc đã đòi được, ông khuyên chỉ nên giải quyết vụ việc ở văn phòng luật sư. Từ đó đến nay đã hơn 3 năm, luật sư Quý vẫn chưa biết chính xác anh Hưng ở đâu để liên hệ.

“Lúc anh ấy nói ở Gia Lai, lúc thì Lâm Đồng, có khi lại ở miền Tây. Tôi và các cộng sự đến tận nơi gặp mà chẳng được”, vị luật sư nói. Ông cũng cho biết, do hiện nay, thu nhập của anh Hưng bấp bênh, không trả qua tài khoản ngân hàng làm vụ việc trở nên khó khăn hơn.

Đồng tình với việc này, ông Xuân cũng cho rằng, hiện việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con rất khó thi hành, khó cưỡng chế, vì tiền cấp dưỡng không lớn. Các cơ quan thi hành án hiện nay chỉ dùng biện pháp thuyết phục, động viên từ người thân trong gia đình, những người có uy tín đến tác động. Thậm chí phải dương đông kích tây để chạm đến tính tự ái của họ. Tuy nhiên, hầu như sự việc đều rơi vào bế tắc.

Theo ông Tiến, để xảy ra tình trạng trên có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, luật nước ta quy định còn lỏng lẻo về việc công dân có quyền lựa chọn nghề nghiệp và tự do đi lại, nhưng lại không bắt buộc anh đi đâu thì phải khai báo. Thứ hai, luật cũng không yêu cầu công dân phải cung cấp mức thu nhập của mình, dẫn đến Nhà nước không biết thu nhập cụ thể của họ là bao nhiêu. 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng dân sư - Hôn nhân gia đình, Trường đại học Luật TP HCM cho biết, đa số người trốn cấp dưỡng đều làm nghề lưu động, không có địa chỉ rõ, vì thế đã làm khó cơ quan thi hành án. Vụ án cũng vì thế mà kéo dài. Trong khi đó, người nuôi con rất cần tiền.

Thứ ba, khi người cấp dưỡng có gia đình mới. Họ nói phụ thuộc vào vợ hoặc chồng của mình, vì là tài sản chung thì phải có sự đồng ý của cả hai. Tiếp đến, kinh tế nước ta còn nghèo. Một lao động phải nuôi rất nhiều người. Họ không chỉ nuôi con, mà còn bản thân, cha mẹ già, anh chị em… Hơn nữa, nhà nước không quản lý tiền và tài sản của công dân, dẫn đến người phải cấp dưỡng chống chế bằng nhiều hình thức.

Ông cho biết, tại các nước phát triển, việc cấp dưỡng nuôi con quy định rất rõ, nếu không thực hiện sẽ bị xử lý bằng nhiều hình thức. Cách đây không lâu, tại Mỹ có một ông bố trốn trách nhiệm cấp dưỡng và bị chính quyền nước này tố cáo bằng cách in hình ông ta trên hộp đựng fastfood.

"Họ làm được điều này là vì đất nước họ rất chú trọng nghĩa vụ của cha mẹ với con cái, vì các bé là đối tượng được ưu tiên. Hơn nữa, họ quản lý được tiền và tài sản của công dân, nên người phải cấp dưỡng không thể trốn được. Anh làm ở đâu không biết, nhưng hễ chuyển đến nơi ở mới thì phải khai báo và cung cấp tài khoản cho Nhà nước. Trường hợp, anh cố tình lẩn trốn thì người thực thi pháp luật sẽ đến nơi làm việc để thi hành”, tiến sĩ Tiến nói.

Theo vị chuyên gia, để việc cấp dưỡng trở nên khả thi, Nhà nước cần quản lý tiền và tài sản của công dân. “Mỗi công dân phải có tài khoản và kê khai tài sản của mình thì mới hết trốn cấp dưỡng được. Còn không thì sự việc cứ thế bế tắc”, ông nói.

Ông cũng cho biết, luật thi hành án hiện nay quy định rất rõ tại nghị định 110 và sửa đổi thành nghị định 67 về việc người phải cấp dưỡng mà không chịu thi hành thì sẽ bị xử phạt hành chính. Trong bộ luật hình sự 2015 cũng đã quy định về tội không chấp hành án. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, ít có vụ án nào bị xử về tội hình sự với người không chịu cấp dưỡng, trừ trường hợp, họ có tài sản rõ ràng mà không chịu chấp hành.

Theo VNExpress