Khách du lịch tham quan thành phố Cape Town, Nam Phi

Theo Bộ Nội vụ Nam Phi, hiện khoảng 55% người dân châu Phi cần phải có thị thực để đến các nước khác thuộc châu lục này và điều này ảnh hưởng đến dòng luân chuyển lao động, cũng như không tạo điều kiện thúc đẩy thương mại giữa các nước thuộc châu Phi.

“Sách trắng về nhập cư quốc tế” của Bộ Nội vụ đã được Chính phủ Nam Phi thông qua đầu tháng Tư vừa qua, nhưng chưa được công bố rộng rãi, nêu rõ: “Nam Phi hoàn toàn ủng hộ tầm nhìn về một châu Phi mà tất cả công dân của châu lục có thể tự do di chuyển qua biên giới các quốc gia, với thương mại trong châu Phi được khuyến khích cũng như có sự hội nhập và phát triển mạnh mẽ hơn trong châu lục”. 

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Nam Phi cũng xác định việc xây dựng lộ trình miễn thị thực sẽ được tiến hành một cách thận trọng và trước mắt sẽ chỉ tiến hành loại bỏ các thủ tục nhập cảnh đối với công dân các quốc gia có thỏa thuận song phương về miễn thị thực, cũng như những đối tượng “đáng tin cậy” và thường xuyên đi lại như giới ngoại giao, quan chức, học giả, doanh nhân và học sinh, sinh viên. Đồng thời, cần tính đến những trường hợp người nước ngoài cư trú quá thời hạn, có nguy cơ đe dọa an ninh như tội phạm có tổ chức, khủng bố, gây bất ổn về chính trị, xã hội, sử dụng giấy tờ giả một cách có hệ thống hoặc lạm dụng hệ thống xin tị nạn.

Điểm chính của chế độ miễn thị thực cần được tiếp cận theo hướng miễn thị thực cho những người đến và lưu lại không quá 90 ngày hoặc đã được cấp thi thực bởi bên thứ ba, chẳng hạn như thi thực theo khu vực, trên cơ sở thống nhất về tiêu chuẩn nhập cảnh và quản lý biên giới, tiêu chuẩn về đăng ký thông tin dân sự, quản lý rủi ro thực và rủi ro phức tạp cũng như chia sẻ thông tin tình báo. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nam Phi Hlengiwe Mkhize dự kiến sẽ công bố chi tiết về chính sách miễn thị thực vào ngày 17/5 .

                                                                                                   Theo Thế giới và Việt Nam