Nạn nhân mua bán người rất cần được cảm thông, chia sẻ để họ sớm tái hòa nhập cộng đồng và quên đi những ký ức đau buồn nơi xứ người - Hình minh họa:

Nhưng với không ít người, sự trở về chưa hẳn đã là giải thoát khỏi chuỗi ngày tăm tối mà đôi khi lại bước sang một bi kịch khác của cuộc đời. Đào tẩu thành công, nhưng họ lại phải đối diện với những lời gièm pha, đàm tiếu của chòm xóm, có khi từ chính người thân trong gia đình thay vì dang vòng tay bao dung đón họ hồi hương.

Những cuộc trốn chạy trên đất khách

Đã gần 8 năm trôi qua nhưng D. (29 tuổi, quê Tây Ninh) vẫn còn bị ám ảnh bởi những tháng ngày bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ của một người đàn ông tật nguyền. Tin lời bạn thân, D. lên đường sang Trung Quốc thăm bạn đã lấy chồng ở xứ người.

Sau 3 ngày di chuyển qua nhiều chặng đường để đến một vùng núi chìm trong tuyết trắng lạnh buốt, D. nhận được câu nói từ người bạn thân: "Mày bị bán rồi, ở đây lấy chồng chứ không được về, không chịu thì bị dắt lên núi giết chết".

Như cá đã vào rọ, D. buộc lòng phải chấp nhận làm vợ cho một người đàn ông mà theo D. là "ngáo ngáo thế nào".

Hằng ngày, D. bị nhốt trong căn phòng kín, không cho ra ngoài giao du với ai bởi sợ cô sẽ bỏ trốn. Cuộc sống bức bối, tủi nhục đến tận cùng khiến cô gái này trở nên mạnh mẽ hơn. Cô khát khao bỏ trốn, bằng mọi giá để tìm về quê hương.

Nhân lúc gia đình "chồng" sơ hở, D. chạy thoát thân và nhờ sự giúp sức của những người Việt tại Trung Quốc, D. đã về đến quê hương sau 4 tháng bị lừa bán sang Trung Quốc.

Còn với A. (32 tuổi, quê Tây Ninh), hành trình trốn thoát khỏi Trung Quốc cũng lắm gian truân. Cô gái này luôn nung nấu ý định chạy trốn, nhưng giấy tờ bị "chồng" giữ, tiền bạc không có, lại chẳng biết đường sá nên ngày về với cô gái này quá mịt mù.

Những khi tuyệt vọng, A. thường lên sân thượng nhìn lên bầu trời, và phát hiện nơi cô sống nằm trên đường cất - hạ cánh của máy bay. Hình ảnh những chiếc máy bay tự do bay đi trên bầu trời như thắp lên trong cô gái này niềm hi vọng giải thoát.

Lấy lại được hộ chiếu, A. chờ "chồng"đi làm rồi chạy ra đường nhảy lên taxi. "Lúc đó tôi chẳng biết nói gì, chỉ biết chỉ tay lên bầu trời ý muốn nói là đưa đến sân bay nhưng may mắn lại được đưa đến đồn cảnh sát" - A. nói.

Tại đồn cảnh sát, cô được nối máy với một người biết tiếng Việt để trình bày hoàn cảnh và được đưa về Việt Nam. Đó là hai trong số rất nhiều cô gái Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc may mắn đào tẩu thành công.

Thế nhưng, khi đã trở về quê hương, cả hai vẫn phải "trốn" những lời đàm tiếu của chòm xóm láng giềng dù họ là nạn nhân, dù những kẻ chủ mưu đã bị pháp luật trừng trị. "Lúc về áp lực lắm, hàng xóm cứ khơi lại, lời ra tiếng vào khiến mình buồn, phải đi làm công nhân biền biệt mấy năm trời mới dám về nhà" - A. nói.

Còn với D., dù đã cố gắng giấu đi niềm đau, làm lại cuộc đời với hạnh phúc mới, nhưng gia đình chồng vẫn không chấp nhận quá khứ từng là nạn nhân buôn bán người của cô...

"Cần có cái nhìn cảm thông"

Bà Phạm Thị Hương Giang (giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển), cho biết những nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc liên quan đến phụ nữ và trẻ em khi trở về thường chịu nhiều tổn thất về thể chất, tinh thần. Có những trường hợp nạn nhân mất trí nhớ, mang thai ngoài ý muốn, nghiện rượu, ma túy hoặc mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục...

Theo bà Giang, sự kỳ thị, xa lánh của những người xung quanh là một trong những lý do khiến các nạn nhân buôn bán người khó tái hòa nhập cộng đồng.

Bà Hà Thị Vân Khánh (điều phối viên quốc gia dự án Liên Hiệp Quốc hợp tác hành động chống lại nạn buôn bán người tại Việt Nam), cho biết trong năm 2017, tại Việt Nam có hơn 370 vụ buôn bán người được phát hiện với gần 500 đối tượng và hơn 900 nạn nhân.

Theo bà Khánh, hậu quả đối với những nạn nhân buôn bán người là rất lớn. Do đó, người thân, gia đình cần có cái nhìn cảm thông, chia sẻ để họ có cơ hội hòa nhập cuộc sống, sớm quên đi quá khứ buồn tủi mà họ đã trải qua!

Theo Tuổi trẻ