Ảnh minh họa

Hỏi: Chúng tôi kết hôn tại Việt Nam, sau đó cùng sang Hà Lan để du học. Hiện nay, cả hai đã định cư lâu dài, có đăng ký thường trú và công việc ổn định tại Hà Lan. Nhưng do mâu thuẫn, nên chúng tôi quyết định ly hôn. Nếu xin ly hôn tại Việt Nam, pháp luật có bắt buộc cả hai phải về Việt Nam không hay có thể ủy quyền?

Đỗ Quỳnh Hoa (Thành phố Amsterdam - Hà Lan)

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình thì “Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài…”. Hiện nay, cả hai vợ chồng đều đăng ký thường trú tại Hà Lan nên quan hệ hôn nhân được xác định là có yếu tố nước ngoài.

Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình quy định ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau: “2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam”.

Căn cứ vào các quy định trên, hai bạn có thể thực hiện thủ tục ly hôn tại Hà Lan. Sau khi đã có bản án hoặc quyết định ly hôn của tòa án nước ngoài bạn có thể đề nghị tòa án có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận bản án hoặc quyết định nói trên theo quy định tại Điều 125 Luật Hôn nhân và gia đình như sau:

“Điều 125. Công nhận, ghi chú bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về hôn nhân và gia đình.

1. Việc công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài có yêu cầu thi hành tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

2. Chính phủ quy định việc ghi vào sổ hộ tịch các việc về hôn nhân và gia đình theo bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam hoặc không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam; quyết định về hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài”.

Trường hợp muốn ly hôn tại Việt Nam thì một trong hai bạn có thể về Việt Nam để xin ly hôn, người còn lại đề nghị tòa án xét xử vắng mặt sẽ được tòa án tại Việt Nam chấp nhận. Điều này được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 tại Điều 228: “Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong trường hợp nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt”.

Bộ luật Tố tụng dân sự cũng quy định đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng (khoản 4 Điều 85).

 Luật sư Đặng Thành Chung - Công ty Luật An Ninh

Theo phunuvietnam