Noel Stanton, người sáng lập Jesus Army. Ảnh: BBC.

Anna khóc thút thít khi bẻ một cành cây và đưa nó cho người đàn ông có khuôn mặt nghiêm nghị đứng bên cạnh, biết rằng ông ta sẽ dùng nó để đánh mình. Lớn lên trong Jesus Army, cô đã quen với việc bị những người lớn trong giáo phái đánh đập kể từ khi biết đi.

Jesus Army (Đội quân của Chúa Jesus) là một giáo hội Kito giáo theo trường phái Phúc Âm được Noel Stanton sáng lập ở hạt Northamptonshire, Anh năm 1969. Vào thời kỳ phát triển mạnh nhất, Jesus Army có hơn 2.000 thành viên, hàng trăm người trong số đó sống gần gũi với nhau trong những khu nhà tập thể ở miền trung nước Anh.

Trong nhiều năm qua, Jesus Army bị coi là giáo phái chuyên nhắm vào những người dễ bị tổn thương. Stanton và các thành viên bị cáo buộc có những hành vi như hãm hiếp, bắt nạt, tẩy não, lao động cưỡng bức và hành hung, chủ yếu xảy ra vào thập niên 1980 và 1990. Stanton qua đời vào năm 2009, 10 thành viên của nhóm đã bị kết án vì các tội danh tình dục. Jesus Army dừng hoạt động từ hồi tháng 5.

Các thành viên giáo phái phải nộp toàn bộ thu nhập vào một ví chung và tất cả mọi thứ đều được chia sẻ trong cộng đồng, từ đồ lót cho đến việc nuôi dạy con cái. Trẻ em có thể bị bất kỳ người lớn nào trong cộng đồng trừng phạt nếu mắc lỗi.

Các em thường bị tách khỏi bố mẹ và được trông nom bởi những người được giáo phái chỉ định, thường được gọi là "các Anh" và "các Chị". Việc người lớn tự tiện vào phòng ngủ của trẻ em hay xem các em tắm là chuyện thường xuyên xảy ra.

Rose là một trong số những nạn nhân của Jesus Army. Gia đình cô gia nhập giáo phái vào những năm 1980. Cô miêu tả đó là một cộng đồng đáng sợ với "những cuộc trừ tà ồn ào và ghê rợn". "Khi còn nhỏ, tôi không bao giờ cảm thấy an toàn", cô nói.

Các thành viên giáo phái phải tuân theo sự lãnh đạo của nhà sáng lập Stanton. Ông ta đưa ra giáo lý chính là "không có gì tốt đẹp trong con người bạn". "Họ nói rằng mọi thứ trong con người đều là kết quả của tội lỗi. Tôi từng căm ghét chính mình vì lời rao giảng đó", Rose kể.

Các buổi làm lễ được tổ chức vào buổi tối với những bài hát và lời cầu nguyện. Vào cuối tuần, các thành viên lái xe buýt đi vòng quanh các thị trấn và thành phố để chiêu mộ thành viên, thường là người vô gia cư.

Rose cho biết trẻ em thường xuyên bị "kỷ luật" bởi người lớn, bao gồm cả những thành viên từng là người vô gia cư hay nghiện ma túy. "Việc bị đánh đập trước nhiều người rất nhục nhã", Rose nói.

Khi Rose 12 tuổi, một người đàn ông lớn tuổi thường xuyên sàm sỡ cô. Ông ta vuốt ve chân cô dưới bàn ăn tối hoặc sờ soạng ngực Rose khi cho cô tiền để mua kem. Khi đó, cô biết những hành động này "kỳ quặc và không thoải mái" nhưng cảm thấy "ông ta hẳn phải có lý do khi làm vậy".

Khi Rose 15 tuổi, một người có vai vế trong tổ chức dẫn cô ra sau một tòa nhà và ép cô phải thực hiện hành vi tình dục với ông ta. "Tôi biết chuyện xảy ra là sai trái và cảm thấy rất xấu hổ. Tuy nhiên, phụ nữ ở trong tổ chức là để phục vụ. Chúng tôi luôn ở vị trí thấp kém hơn".

Jesus Army thường coi phụ nữ là những kẻ cám dỗ, khiến các thành viên nam lầm đường lạc lối. Vì vậy, khi các lãnh đạo giáo phái biết chuyện đã xảy ra, Rose, chứ không phải kẻ lạm dụng tình dục, bị đổ lỗi.

Xe buýt của Jesus Army. Ảnh: BBC.

Gia đình Philippa Muller chuyển từ Surrey đến Northamptonshire khi cô 7 tuổi. Bố cô làm việc trong văn phòng thuế địa phương và đã nộp toàn bộ thu nhập vào ví chung của Jesus Army. Giống hầu hết phụ nữ trong giáo phái, mẹ của Philippa bị coi như "người phục vụ", ở nhà nấu nướng và dọn dẹp còn những người đàn ông làm các công việc "theo ý Chúa".

Philippa cảm thấy bị cô lập. "Bạn không thể đi uống cà phê hay đi xem phim với ai đó. Điều đó hoàn toàn bị cấm. Chúng tôi không được phép giao thiệp với người ngoài. Chúng tôi không có TV. Mọi thứ đều bị kiểm duyệt. Đôi khi có những mẩu tin bị cắt khỏi những tờ báo chúng tôi được đọc".

Một trong những bạn thân của Philippa trốn khỏi giáo phái sau khi bị một thành viên lớn tuổi hành hung. Philippa ra làm chứng khi vụ này được đưa ra tòa. Người hành hung bị kết án nhưng Philippa sau đó bị các thành viên khác ghẻ lạnh, họ coi cô như một kẻ phản bội và dối trá.

Ben đã ở trong Jesus Army kể từ khi anh sinh ra vào những năm 1980. Khi Ben 6 tuổi, anh bị một thành viên tấn công tình dục.

"Mẹ tôi từng nói tôi rất vui vẻ và hay cười, nhưng sau khi việc đó xảy ra, tôi không còn như vậy nữa", anh nói. "Tôi tự cô lập và không có bạn bè".

Ben trở nên xa cách với gia đình và rời khỏi giáo phái khi 17 tuổi. Gần đây, Ben phát hiện ra anh chị em của mình cũng phải trải qua "ác mộng" tương tự. Một trong những em trai của Ben kể rằng đã bị hãm hiếp trong suốt thời thiếu niên.

"Tôi tin rằng ít nhất 5 người chúng tôi đã bị lạm dụng tình dục bằng cách này hay cách khác. Tôi phẫn nộ về những gì họ đã làm với gia đình tôi", Ben nói.

"Vẫn có một số người tốt đẹp trong tổ chức", Ben nói thêm. "Nhưng mọi thứ bị lu mờ bởi những điều xấu xa xảy ra".

                                                                                                                                                         Theo vnexpress