Tiến sĩ Ngô Đức Mạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội 

Công tác đối ngoại với nhiều dự án luật liên quan đã được  thảo luận, thông qua trong nhiều kỳ họp Quốc hội. Và tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng được thảo luận sửa đổi, bổ sung và trình Quốc hội xem xét thông qua. Hoạt động này sẽ góp phần hoàn thiện hơn về chính sách đối ngoại của Nhà nước cũng như tạo điều kiện cho các cơ quan ngoại giao đóng vai trò tốt hơn, hỗ trợ nhiều hơn cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống và hướng về quê hương. Khách mời của chương trình hôm nay, tiến sĩ Ngô Đức Mạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội sẽ thông tin về vấn đề này.

PV: Thưa ông, tại kỳ họp lần này, Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài  được Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều trong dự án Luật. Ông đánh giá như thế nào về việc sửa đổi, bổ sung lần này?

Tiến sĩ Ngô Đức Mạnh: Luật cơ quan đại diện nước của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành năm 2009 đến nay. Đây là lần đầu tiên chúng ta sửa đổi và tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, dự án Luật được trình để Quốc hội xem xét, thông qua. Việc sửa đổi, bổ sung ban hành bất cứ đạo luật nào cũng hết sức cần thiết bởi vì cuộc sống luôn thay đổi, có nhiều vấn đề mới phát sinh. Trên thực tế, nhận thức của chúng ta về cách thức quản lý điều hành công việc cũng khác so với trước. Trong trường hợp này, Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được trình để sửa đổi, bổ sung cũng chính là nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của công tác quản lý nhà nước đối với Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Và điều này cũng xuất phát từ thực tế là chúng ta đã có quá trình triển khai thực thi và bộc lộ những hạn chế nhất định những mặt quy định của Pháp luật và điều này cũng ảnh hưởng tới công tác của cơ quan đại diện. Chúng ta đã biết cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài thực sự là hình ảnh, là tai mắt của Việt Nam ở nước ngoài. Nếu chúng ta sửa đổi được Luật để tăng cường hoạt động của cơ quan này cũng là tiếp tục tác động nhất định đến việc làm cho hình ảnh, hiệu quả hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được tốt hơn.

PV: Qua rất nhiều kỳ họp quốc hội, nội dung liên quan tới công tác đối ngoại cũng như là ngoại giao đã được đề cập. Vậy theo ông, những sửa đổi hay bổ sung dự án luật như thế này có tác động gì tới người Việt Nam ở nước ngoài?

Tiến sĩ Ngô Đức Mạnh: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài là bảo hộ công dân. Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 4 đến 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là bộ phận quan trọng theo Nghị quyết 36 của Bộ chính trị  cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời khỏi cộng đồng dân tộc Việt Nam. Cho nên là rõ ràng nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện thì cơ quan đại diện càng có đủ năng lực để mà thực thi các nhiệm vụ của mình, đặc biệt là công tác bảo hộ công dân. Cơ quan đại diện sẽ có thêm điều kiện hoạt động cũng như có thêm cách thức để mà bảo vệ công dân được tốt hơn. Qua đó, biến các cơ quan đại diện ngoại giao của chúng ta ở nước ngoài đã và ngày càng trở thành công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi của công dân ở Việt Nam ở nước ngoài. Chính sách và biện pháp của chúng ta ngày càng cụ thể và ngày càng khả thi hơn đáp ứng nguyện vọng của bà con người Việt ở nước ngoài. Cụ thể như  chúng ta tạo điều kiện cho bà con về nước đầu tư, bà con về trong nước mua nhà, đặc biệt là đầu tư kinh doanh. Bây giờ công nghệ kết nối thông tin dễ dàng làm cho bà con ở nước ngoài xích lại thấy gần như ở trong nước khi xem kênh truyền hình VTV4 hay nghe Đài TNVN. Tất nhiên là chúng ta vẫn phải tiếp tục có nhiều điểm phải cải tiến, sửa đổi nhưng có nhiều cơ chế để huy động chất xám của đội ngũ trí thức của bà con ở nước ngoài. Có những dự án đề xuất có tính khả thi thì phải đảm bảo thực hiện, triển khai có kết quả. Thậm chí kể cả đóng góp của bà con ở nước ngoài như đóng góp vì biển đảo cho Trường Sa, Hoàng Sa,  đóng góp xây dựng tấm lòng từ thiện của bà con, triển khai bài bản và thông tin lại cho bà con.

PV: Vậy Ủy ban đối ngoại của Quốc hội là cơ quan  tham mưu, đóng vai trò giám sát sẽ triển khai việc thực hiện các chính sách như thế nào?

Tiến sĩ Ngô Đức Mạnh: Ủy ban đối ngoại của Quốc hội là một trong những cơ quan được Quốc hội bầu và có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các công tác đối ngoại của Quốc hội cũng như tham mưu cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là với lãnh đạo Quốc hội để tiếp tục xây dựng hoàn thiện các thể chế, văn bản pháp luật. Với khả năng của mình thì tôi nghĩ rằng, Ủy ban đối ngoại đã và đang cố gắng triển khai các công việc theo luật định, đặc biệt là giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật của nhà nước đối với công tác đối ngoại, các thỏa thuận quốc tế. Và cũng như là với việc thực hiện Luật cơ quan đại diện, trong đó có vai trò của cơ quan đại diện trong việc bảo vệ quyền lợi của công dân, bảo hộ công dân. Tôi nghĩ rằng, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà cần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của mình.

Xin cảm ơn ông.