Tôi được gặp họ, những người dang dở hôn nhân với chồng người nước ngoài. Câu chuyện quá khứ đã buồn, chuyện hôm nay càng buồn và bí lối hơn.

Hệ lụy dai dẳng đến đời con họ, những đứa trẻ đến tuổi đi học lớp 1 vẫn chưa có giấy khai sinh đàng hoàng.

Giấy khai sinh không tên cha

Chị H.M.N. quê Hậu Giang, nhà nghèo lại lâm cảnh nợ nần, nhà đất không còn. Nghe lời mẹ, chị lấy chồng Đài Loan với hi vọng cứu cả gia đình. 

Sang xứ người, chị mới phát hiện chồng mình không bình thường, gia đình chồng khắt khe, làm việc quá sức nhưng không cho tiền để gửi về. Chị bỏ trốn về Việt Nam và phát hiện mình đang mang thai. 

Không có giấy kết hôn, chị sinh con ở Việt Nam phải làm giấy khai sinh không có tên cha. Chưa ly hôn với chồng cũ nên chị cũng không thể kết hôn. Con của chị và chồng sau cũng không có tên cha mẹ đầy đủ trong giấy khai sinh.

Chị được tòa án hướng dẫn thủ tục ly hôn với chồng cũ: trích lục giấy kết hôn, làm giấy xác nhận việc chồng chị không liên lạc với chị suốt 2 năm sau khi chị về Việt Nam, rồi phải có địa chỉ cụ thể của anh chồng cung cấp cho tòa án để họ gửi giấy sang đó... 

Chị lại không biết rõ địa chỉ nhà chồng, không có tiền để sang đó (và cũng sợ gia đình chồng bắt lại).

Tình cảnh của chị N.T.T., quê Sóc Trăng, còn khó khăn hơn. Theo chồng, chị đã nhập quốc tịch Đài Loan, thôi quốc tịch Việt Nam (vì lúc đó Việt Nam chưa cho công dân có hai quốc tịch). 

Sau nhiều mâu thuẫn, chị bồng con về Việt Nam khi chưa làm thủ tục ly hôn. Con chị không khai sinh được ở Việt Nam. Chị muốn xin khôi phục quốc tịch Việt Nam thì đòi hỏi phải có lý lịch tư pháp thời gian chị sống bên đó, mà chị không có điều kiện, hiểu biết để làm việc này. 

Giờ chị có chồng Việt Nam, không đăng ký kết hôn được, con sinh ra là con người nước ngoài (vì chị vẫn là người Đài Loan). Tình cảnh bí lối khi hôn nhân trái pháp luật, con đến tuổi đi học cũng chưa thể làm giấy khai sinh.

Chị H.T.C.N. cũng trắc trở không kém: chị lấy chồng Trung Quốc cũng vì gia đình nghèo. Sau đám cưới, chị không dư chút tiền nào vì gia đình chồng cho ít, phía môi giới hôn nhân lấy hết. 

Nghĩ sang quê chồng được ở nhà cao cửa rộng, nào ngờ nhà chồng ở miền núi, cuộc sống cực khổ còn hơn ở quê nhà, không biết tiếng Trung. 

Mấy năm chị không được về thăm mẹ cha, cũng không có tiền gửi về... Chị bồng con nhỏ về Việt Nam, vừa khó khăn vừa phải đối mặt với dư luận xã hội, con không biết mặt cha...

Không phải chuyện riêng ai

Họ, những người phụ nữ xuất thân nghèo khó, thiếu hiểu biết, không còn chịu được cảnh vất vả, cực khổ ở xứ người. 

Các chị trở về sau cuộc hôn nhân dang dở và vướng phải nhiều rắc rối trong các mối quan hệ nhân thân, con cái, hôn nhân trái pháp luật. Ngay cả khi có người yêu thương, các chị lấy chồng, sinh con, hạnh phúc ở quê mình, cuộc hôn nhân đó cũng không hợp pháp.

Hiện tại, ở ĐBSCL có nhiều công ty làm dịch vụ pháp lý có yếu tố nước ngoài. Họ có thể tư vấn những trường hợp trên. 

Nhưng đáng buồn là rất đông chị em không thể tiếp cận dịch vụ này, chỉ nghe tư vấn xong rồi... đành về vì không có tiền. 

Chi phí để có thể lo xong những thủ tục này lên đến hàng chục triệu đồng cho rất nhiều việc phải làm từ trong nước và ở nước ngoài.

Những cảnh đời phụ nữ, trẻ em sống không giấy tờ hợp pháp ngay trên quê hương mình..., các chị muốn tìm lại hạnh phúc đời mình cũng không dễ chút nào! Đoạn kết buồn của những cuộc hôn nhân với chồng ngoại để lại những thiếu vắng, thiệt thòi đến đời con trẻ.

Những câu chuyện này không phải là cảnh ngộ riêng nhà ai, mà là câu chuyện xã hội. Nhà nước cần lưu ý nhiều hơn đến các cảnh ngộ này, có biện pháp hỗ trợ để trẻ bớt thiệt thòi và để các chị có điều kiện làm lại cuộc đời.

Day dứt thân phận trẻ con

Được biết Hội LHPN Việt Nam là tổ chức duy nhất tại Việt Nam được phân công nhiệm vụ thành lập trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Hiện hội có 15 trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài...

Thế nhưng việc lấy chồng ngoại qua mai mối, nguy cơ gặp rủi ro vẫn diễn ra với cô dâu Việt. Đâu ai dễ yêu thương nhau chỉ qua một bức ảnh, một lần gặp mặt? Thế mà bao chuyện nên vợ nên chồng với người nước ngoài và cưới hỏi diễn ra nhanh chóng trong vài ngày.

Tôi chỉ được gặp lại P., người cùng quê, lúc cô về thăm quê dịp tết. Cô là nạn nhân của cuộc hôn nhân mai mối lấy chồng Hàn Quốc, từng là nhân vật trong một clip bị chồng bạo hành được phát tán trên mạng nhiều năm trước.

Bỏ trốn khỏi cuộc hôn nhân ấy, về quê, rồi lại rời làng quê đi biệt đến tỉnh xa làm công nhân. Hai năm trước, cô có về quê mấy ngày để tổ chức đám cưới.

Chồng P. cũng là công nhân. Những người quen dự đám cưới đều mừng, nhưng cũng là dịp bao hình ảnh về câu chuyện đau buồn năm nào được nhắc lại.

Những khổ đau từ cuộc hôn nhân cũ như vết sẹo đời vẫn còn đau. Nhiều vụ lấy chồng nước ngoài, sau khi trở về quê, dù được địa phương hỗ trợ việc làm, không lâu sau đó chị em phải bỏ quê, bỏ con cho cha mẹ nuôi, đi nơi khác làm việc... Những đứa trẻ quê nghèo chậm được đến trường vì chưa có khai sinh hoặc khai sinh không cha.

Những đứa trẻ không có lỗi, nhưng đã chung số phận của người lớn. Mối dây liên hệ với người cha gần như chẳng còn, trong khi mối liên hệ với mẹ cũng mờ dần, nhiều khi chỉ nương tựa cùng ông bà.

Những năm trước đây, quê tôi, miền Tây Nam Bộ, có những đứa trẻ mẹ Việt - cha người nước ngoài đã phải "mượn" giấy khai sinh hoặc được chuyển thành con của cô, chú, cậu, dì... để có thể đi học, được hưởng mọi quyền như bao đứa trẻ khác.

Thêm một câu chuyện buồn về việc lấy chồng người nước ngoài, lại thêm một lần nhìn lại tình cảnh của những người phụ nữ trở về đầy nghịch cảnh. Xã hội lại thêm day dứt về những phận trẻ... 

Theo tuoitre