Glen Wood, một người Canada ở Nhật Bản, chơi cùng con trai. Ảnh: AP

Anh ngồi trong văn phòng của Asics, một hãng sản xuất đồ thể thao lớn của Nhật Bản, nhưng không phải báo cáo công việc với ai. Anh được giao nhiệm vụ dịch các chính sách nghỉ lễ và giờ làm việc hàng ngày của công ty ra tiếng Anh, dù ngoại ngữ chỉ bập bõm.

Nam nhân viên giấu tên cho hay mình đã bị cho "ra rìa" như một cách trừng phạt vì nghỉ phép theo chế độ thai sản dành cho chồng sau khi vợ sinh hai con trai. Bây giờ anh là nguyên đơn của một trong hai vụ kiện đầu tiên tại Nhật Bản về việc bị chèn ép khi nghỉ phép để chăm vợ sinh. Phiên điều trần đầu tiên dự kiến diễn ra trong tuần này.

Vụ kiện của anh được coi là không bình thường ở một quốc gia đề cao sự trung thành với công ty, những giờ làm việc kéo dài và những kỳ nghỉ lễ trôi qua trong quên lãng, nhất là với các nam nhân viên.

Người đàn ông hiện có con trai 4 tuổi và một tuổi, ban đầu được phân công làm việc tại bộ phận marketing ở Asics, nhưng bất ngờ bị chuyển tới bộ phận kho sau khi nghỉ thai sản năm 2015. Đến khi bị đau vai, anh được phân công vào bộ phận hiện tại, nơi anh chỉ ngồi làm những việc lặt vặt. Anh muốn Asics phải trả lại công việc ban đầu cho mình và bồi thường 4,4 triệu yen (41.000 USD).

Asics cho hay sẽ phản đối các cáo buộc tại tòa và bày tỏ "lấy làm tiếc" khi không đạt được thỏa thuận với nhân viên trên. "Công ty của chúng tôi duy trì cam kết thúc đẩy sự đa dạng và mong muốn tạo một môi trường và hệ thống hỗ trợ để tất cả các nhân viên có thể làm việc hiệu quả trong suốt thời gian mang thai, sinh nở và nuôi con", thông cáo của Asics cho hay.

Makoto Yoshida, giáo sư nghiên cứu xã hội thuộc Đại học Ritsumeikan, tin rằng xã hội Nhật Bản đã mất hàng thập kỷ mới chấp nhận việc cho đàn ông nghỉ phép ở nhà khi con chào đời vì vấn đề này là trung tâm của văn hóa doanh nghiệp.

"Lãnh đạo có thể cho rằng nhân viên nghỉ phép chăm con mới sinh là vô dụng. Người lãnh đạo có thể không bao giờ nghỉ phép để làm bố", ông Yoshida nói. "Và khi mọi người thấy một nhân viên bị đối xử tệ vì nghỉ chăm vợ sinh, sẽ không ai muốn làm thế nữa".

Luật pháp Nhật Bản cho phép cả đàn ông và phụ nữ nghỉ làm tới một năm sau khi con chào đời. Trong thời gian nghỉ thai sản này, các bậc cha mẹ không hưởng lương của công ty, nhưng được nhận tiền trợ cấp của chính phủ. 

Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều nhân viên không tận dụng những ngày nghỉ hợp pháp này. Theo số liệu của chính phủ Nhật Bản, chỉ 6% ông bố xin phép nghỉ chăm con mới sinh. Hơn 80% phụ nữ nghỉ thai sản, nhưng đây là con số thống kê sau khi khoảng một nửa phụ nữ trong độ tuổi lao động đã nghỉ việc để kết hôn và sinh con.

Trong khi các công ty được khuyến khích cho nhân viên nghỉ phép làm cha mẹ và nhiều người ủng hộ việc dành thời gian để chăm sóc gia đình, giới phê bình cho biết hầu như người lao động ở Nhật Bản không được hưởng quyền lợi này. Lo ngại trước tỷ lệ sinh ngày càng giảm, chính phủ Nhật thậm chí đang xem xét việc bắt buộc người lao động nghỉ thai sản.

Tại Mỹ, luật liên bang không quy định doanh nghiệp phải trả lương cho lao động nghỉ phép chăm con mới sinh, nhưng nhiều công ty vẫn cho nhân viên hưởng quyền lợi này. Hầu hết các quốc gia châu Âu cũng áp dụng chính sách cho phép người lao động được hưởng trợ cấp của chính phủ trong thời gian nghỉ phép để thực hiện trách nhiệm làm bố. Thụy Điển và các nước vùng Scandinavia khác đều tự hào về chính sách hỗ trợ tối đa cho các bậc cha mẹ khi có con.

Các công ty khác ở Nhật Bản, trong đó công ty con của tập đoàn điện tử NEC và hãng sản xuất hóa chất Kaneka, gần đây cũng bị cáo buộc là gây khó khăn cho chế độ nghỉ phép chăm vợ sinh của nam nhân viên, dù họ bác bỏ điều này.

Sự việc đang gây chú ý nhất liên quan tới Glen Wood, một người Canada đang đấu tranh để giành lại công việc quản lý môi giới tại công ty chứng khoán Mitsubishi UFJ Morgan Stanley ở Nhật.

Các nhân viên đến công ty làm việc ở Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg

Wood đang thương lượng với các sếp của anh để được nghỉ phép 3-4 tuần thì con trai anh bị sinh non 6 tuần tại Nepal. Dù cấp trên lưỡng lự về việc cho anh nghỉ, Wood vẫn quyết định tới Nepal. Các bác sĩ cho biết anh phải đến gặp con trong phòng chăm sóc đặc biệt ngay lập tức.

5 tháng sau, vào tháng 3/2016, Wood quay lại làm việc khi con trai đã hồi phục sức khỏe và có thể bay đến Nhật Bản, tuy nhiên, anh phải chịu đựng sự chèn ép ở công ty. Nhiệm vụ của anh thay đổi. Anh bị quở trách vì không tham dự những cuộc họp không được mời. Anh bị yêu cầu xét nghiệm ADN để chứng minh mình thực sự là cha của những đứa trẻ và được hai bác sĩ kiểm tra tâm lý. Đến năm ngoái, anh bị sa thải.

Mitsubishi UFJ Morgan Stanley phủ nhận việc chèn ép Wood và nhấn mạnh sẽ phản bác các cáo buộc khi ra tòa. Trong khi đó, Wood nhận được hàng nghìn chữ ký trên một trang kiến nghị trực tuyến bày tỏ sự ủng hộ với vụ kiện của anh, trong đó có bình luận từ những người Nhật Bản đang chịu đựng tình trạng tương tự, hầu hết là những ông bố.

Sự nghiệp đổ bể, nam nhân viên ở Asics cảm thấy mình vô dụng. Tuy nhiên, anh vẫn tự hào mình đã đảm nhận toàn bộ việc nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ khi nghỉ phép chăm con, giúp vợ sau sinh.

Theo Naoto Sasayama, luật sư của anh, thân chủ tin tưởng vào việc đấu tranh cho lẽ phải. "Anh ấy đã tạo ra một hình mẫu", Sasayama nói. "Vụ kiện đặt ra câu hỏi quan trọng rằng một người liệu có phải coi trọng công ty hơn gia đình hay không". 

Theo vnexpress