Vài năm sau khi chồng qua đời, Tina cảm thấy sẵn sàng để bước thêm bước nữa, theo Financial Time.

Nhờ sự động viên của bạn bè, bà đăng ký tài khoản trên một trang web hẹn hò trực tuyến dành cho người ngoài 50 tuổi. Không lâu sau, bà được một người đàn ông góa vợ tư xưng là Andrew tiếp cận.

                                     Kẻ lừa đảo đánh cắp danh tính của người khác rồi dùng làm tài khoản giả mạo. Ảnh: iStock.


Tina thừa nhận đây Andrew khá điển trai, với mái tóc bạch kim và nụ cười rạng rỡ. Ông cho biết rằng mình mất vợ cùng thời điểm với Tina. Họ nhanh chóng hình thành mối quan hệ thân thiết nhờ nhắn tin trên điện thoại mỗi ngày, trao đổi ảnh gia đình và lên kế hoạch gặp nhau khi Andrew trở về từ chuyến công tác nước ngoài.

Mối quan hệ tình cảm tưởng như chân thật nhưng người tạo ra chúng lại là kẻ lừa đảo. Toàn bộ thông tin, hình ảnh đều bị đánh cắp từ người khác.

Không chỉ suy sụp về mặt tình cảm, Tina còn rơi vào tình trạng phá sản. Trong suốt khoảng thời gian ấy, bà bị “Andrew” thuyết phục cho hắn vay hơn 80.000 bảng Anh.

Đáng chú ý, Tina chỉ là một trong vô số những nạn nhân ở Anh bị lừa cả tình lẫn tiền năm vừa qua.

Lấy Covid-19 làm cái cớ


Trong thời kỳ đại dịch, hàng triệu người cô đơn chuyển sang hẹn hò trực tuyến. Cũng từ đó, số vụ lừa đảo hẹn hò trực tuyến tăng tới 40% với hơn 7.500 trường hợp được báo cáo, tính đến tháng 4/2021, theo trung tâm Action Fraud.

Dữ liệu từ trung tâm này cũng cho thấy tổng thiệt hại của các nạn nhân rơi vào khoảng 73,9 triệu bảng Anh kể từ khi đại dịch xuất hiện lần đầu tiên.

Các chuyên gia tin rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều vụ lừa đảo có thể không được báo cáo do nạn nhân xấu hổ, đồng thời cơ hội để lấy lại tiền rất thấp.

                                              Các vụ hẹn hò lừa đảo khá phổ biến ở các quốc gia. Ảnh: Adobe.


Những vụ lừa tình lấy tiền này không hề mới tại các châu lục nói chung và xứ sương mù nói riêng. Tuy nhiên, đại dịch lại cho các kẻ lừa đảo cái cớ hoàn hảo để tránh gặp đối phương ngoài đời thực, chẳng hạn kẹt lại ở nước ngoài, không thể về nước vì Covid-19.

Ngoài ra, 3 lần phong tỏa toàn quốc khiến việc gặp gỡ giữa những người độc thân ở Anh trở nên khó khăn hơn, khiến họ chuyển sang hẹn hò trực tuyến. Ngày 29/3/2020, Tinder ghi nhận 3 tỷ lượt “quẹt” trên toàn thế giới trong một ngày, theo BBC. Đây là kỷ lục lớn nhất mà ứng dụng hẹn hò này từng ghi nhận.

Trong hầu hết trường hợp hẹn hò lừa đảo ở Anh, thủ phạm nói rằng mình sống ở nước ngoài và “xin tiền” để có thể chuyển đến xứ sở sương mù chung sống cùng nạn nhân.

Theo Independent UK, một nạn nhân giấu danh tính chia sẻ rằng ông trao đổi tin nhắn với một phụ nữ người Nga mà ông quen qua trang web hẹn hò Older Dating Online.

Sau vài tuần nhắn tin, người phụ nữ này yêu cầu ông đưa 650 bảng Anh để cô có được hộ chiếu đến Vương quốc Anh. Không lâu sau, kẻ lừa đảo lại xin thêm 3.000 bảng Anh nữa để chứng minh tài chính với giới chức trước khi tới xứ sở sương mù.

“Tôi trở nên nghi ngờ và liên hệ với ngân hàng để báo cáo về vụ lừa đảo. Tuy nhiên, tôi không thể lấy lại được tiền”, nạn nhân kể lại.

“Tôi chưa dám hẹn hò trở lại kể từ vụ lừa đảo ấy. Tôi vốn không tự tin trong hẹn hò và Covid-19 lại càng khiến nỗi lo sợ đó lớn hơn. Tôi cũng không báo với cảnh sát về những gì xảy ra trên trang web đó”, người đàn ông cho biết.

                                              Đại dịch khiến người độc thân tìm kiếm tình yêu trên mạng. Ảnh: iStock.


Ít khi được hoàn tiền


Một số kẻ lừa đảo khác còn sử dụng công nghệ tinh vi để đánh lừa các nạn nhân tiềm năng.

Một phụ nữ từng báo cáo rằng cô từng nhận được cuộc gọi video kỳ lạ với người lạ mặt. Cô sớm nhận ra họ sử dụng đoạn phim quay trộm từ một vụ phẫu thuật thẩm mỹ tại Mỹ.

“Tôi không biết họ làm cách nào nhưng những hình ảnh tôi nhìn thấy qua việc gọi video đều là của một bác sĩ thẩm mỹ ở tận xứ cờ hoa. Tôi lo sợ rằng nhiều phụ nữ sẽ rơi vào cái bẫy đó”, nạn nhân nói.

Nhiều nạn nhân đã cố gắng lấy lại tiền thông qua ngân hàng của họ. Theo Bộ luật Hoàn trả dự phòng của Vương quốc Anh, nạn nhân của những vụ hẹn hò lừa đảo nên được hoàn tiền nếu lỗi không phải do họ gây ra.

Mặc dù hầu hết ngân hàng đã ký cam kết thực hiện luật trên, chỉ 38% tổng số thiệt hại được trả lại cho các nạn nhân vào năm 2020.

“Những trò lừa cả tình lẫn tiền đặc biệt gây đau đớn cho nạn nhân. Thật đáng lo ngại khi chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của những trò gian lận này, còn bọn tội phạm tìm cách trục lợi từ đại dịch”, Adam French, chuyên gia về quyền người tiêu dùng tại tổ chức Which?, cho biết.

Theo Zing