Lãnh đạo giáo phái Aum là Shoko Asahara bị bắt năm 1995


Theo hãng tin Reuters, Bộ Tư pháp Nhật xác nhận sẽ hành hình 7 thành viên giáo phái bao gồm ông Asahara vào ngày hôm nay 6-7.

Phát ngôn viên chính phủ Yoshihide Suga cũng xác nhận vụ treo cổ Asahara nhưng cả ông Suga và Bộ Tư pháp Nhật không bình luận về việc này.

Còn theo AFP, ông Asahara và 12 tín đồ bị tuyên án treo cổ hơn một thập kỷ qua vì tội ác tấn công hóa học ga điện ngầm Tokyo khiến 13 người thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương.

Vụ treo cổ ông Asahara là vụ hành hình đầu tiên liên quan đến cuộc tấn công ngày 20-3-1995 khiến cả thế giới chấn động và thúc đẩy một chiến dịch đàn áp những người theo giáo phái này.

Vẫn có rất nhiều người ủng hộ án tử hình tại Nhật và một số người thân của những người thiệt mạng trong cuộc tấn công hóa học đó tỏ ra đau khổ khi tù nhân Asahara không bị hành hình sớm hơn.

"Chúng tôi biết điều đó đang đến nhưng thật hối tiếc khi phải mất đến 23 năm cho cuộc hành hình này" - bà Sizue Takahashi có chồng thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng chất sarin nói với đài NHK.

Cuộc tấn công của giáo hội Aum Shinrikyo diễn ra vào giờ cao điểm tại ga tàu điện ngầm ở thủ đô Nhật đã gây cảnh hỗn loạn với hàng ngàn người nằm lăn lộn trên mặt đất, cố gắng hít thở với những giọt nước mắt không ngừng tuôn.  Một số người quỳ gối, nôn mửa và chảy máu mũi.

Giáo phái Aum Shinrikyo đã để chất độc sarin dạng lỏng trên 5 toa tàu tại những điểm dừng chân khác nhau trong hệ thống đường ray này.

Sakae Ito, từng có mặt trên chuyến tàu khi đó, cho biết dấu hiệu đầu tiên của chất độc sarin là nó có mùi như mùi sơn nhưng những người hít phải nhanh chóng có những cơn ho không thể kiểm soát.

"Chất lỏng chảy tràn trên sàn ở giữa toa tàu, mọi người hoảng loạn ngay trên ghế ngồi của họ" - bà Ito nhớ lại.

Lực lượng cứu hộ Nhật đã nhanh chóng có mặt để hỗ trợ những người bị thương và xử lý những vệt chất lỏng sarin chảy lan trên các toa tàu.

Chính phủ Nhật cũng đẩy mạnh chiến dịch đàn áp giáo phái tôn sùng Ngày Tận thế này và nhanh chóng bắt giữ lãnh đạo Asahara cùng các thành viên của tổ chức này.

Sinh ra với tên gọi là Chizuo Matsumoto năm 1955 ở đảo tây nam Kyushu, Asahara đã đổi tên họ vào thập niên 1980 khi phong trào Aum Shinrikyo bắt đầu phát triển.

Giáo phái Aum, bây giờ đổi tên thành Aleph, đã chính thức không công nhận Asahara năm 2000 nhưng chưa bao giờ bị cấm hoạt động và các chuyên gia nói rằng cựu lãnh đạo Asahara vẫn còn ảnh hưởng rất lớn trong giáo phái.

Bất chấp những tội ác kinh hoàng của giáo phái Aum, nhiều chuyên gia lên tiếng phản đối lệnh xử tử Asahara và đệ tử của ông.

Họ sợ rằng cuộc hành hình sẽ là bàn đạp để giáo phái xướng tên một vị lãnh đạo mới và rất có thể sẽ là con trai thứ của ông Asahara.

Trong khi đó luật sư Taro Takimoto cho rằng việc tử hình các đệ tử của ông có thể khiến họ trở thành những "liệt sĩ" trong mắt các tín đồ của giáo phái.

Theo Tuổi trẻ