Một đối tượng trộm đồ trong siêu thị. Ảnh minh họa

Người Việt phạm tội gia tăng

Mới đây, báo Yomiuri của Nhật dẫn nguồn tin từ cảnh sát thủ đô Tokyo cho hay, cảnh sát vừa bắt 1 nhóm trộm là người Việt Nam gồm 2 nữ thực tập sinh và 1 người cầm đầu 25 tuổi là nam giới. Cảnh sát tiến hành bắt giữ sau 6 tháng theo dõi các nghi phạm.

Việc theo dõi bắt đầu từ giữa tháng 5/2018, sau khi một chủ cửa hàng thuốc trình báo với cảnh sát Tokyo về một nhóm người nước ngoài chuyên trộm mỹ phẩm. Bản tường trình cho biết nhóm hành động vào những thời điểm nhiều người nước ngoài có mặt tại cửa hàng. Họ đi thẳng vào khu vực có các kệ bày mỹ phẩm, nước hoa và thực phẩm chức năng, bí mật bỏ các sản phẩm được trưng bày vào 1 túi xách lớn, rồi rời khỏi cửa hàng chỉ trong 3 phút

Điều tra ban đầu cho biết, nhóm này đã thực hiện ít nhất 10 phi vụ với thủ đoạn tương tự từ tháng 1 đến tháng 7/2018 ở cửa hàng nói trên. Những vụ trộm được tính toán rất kỹ lưỡng và phân chia nhiệm vụ tinh vi. Trong lúc 1 đối tượng trộm mỹ phẩm, luôn có 1 người đứng trông chừng động tĩnh và 1 người túc trực xe bên ngoài. Cảnh sát cho biết nhóm này thuê 1 căn hộ ở khu vực trung tâm Tokyo. Nhóm bị tình nghi còn tiến hành nhiều vụ trộm khác ở một số cửa hàng bán mỹ phẩm lớn tại thành phố. Cơ quan chức năng đã khám xét căn hộ này từ tháng 7 vì tình nghi nhóm này vi phạm luật di trú và tị nạn của Nhật Bản.

Một đối tượng trộm cắp bị bắt

Trước đó, hồi đầu năm nay, một sự việc tương tự cũng đã diễn ra. Đài truyền hình NHK dẫn lời cảnh sát tỉnh Ibaraki cho biết cơ quan công tố tỉnh này đã khởi tố 3 người Việt Nam vì tội trộm cắp. 2 trong số 3 người này sang Nhật với tư cách du học sinh. Theo cáo trạng, nhóm này đột nhập vào một căn nhà tại thành phố Ryugasaki, tỉnh Ibaraki, vào ngày 21/1 và lấy trộm nhiều đồ vật, trong đó có túi hàng hiệu và vòng cổ, tổng trị giá 680.000 yen (hơn 142 triệu đồng).

Đáng chú ý, theo số liệu của Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, trong vòng khoảng 10 năm, số vụ phạm tội do người Việt Nam gây ra tại Nhật Bản đã tăng gấp đôi, trong đó chủ yếu là phạm tội ăn cắp. Đáng nói là nhiều vụ trong số đó có sự tham gia hoặc liên quan đến các du học sinh Việt Nam. 

Điều này đã gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn lao động Việt Nam phạm tội tại Nhật và làm xấu đi hình ảnh người lao động Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Còn gì đáng xấu hổ hơn khi có người đã phải cay đắng thốt lên: "Dường như Việt Nam đã xuất khẩu nhầm cả... đạo chích".

Thiếu hiểu biết về nước Nhật

Theo số liệu công bố trong một báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), chỉ tính riêng trong 5 năm (2011 - 2016), số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản đã tăng 4,5 lần. Hiện nay, theo ước tính, số lượng lao động Việt Nam tại Nhật Bản khoảng hơn 90.000 người. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, sự thiếu hiểu biết về người Nhật và nước Nhật còn tiếp diễn ngay cả khi người Việt đã đến Nhật sinh sống, học tập và làm việc, mà rào cản lớn nhất là ngôn ngữ.

Các du học sinh vào học ở các trường tiếng Nhật, đặc biệt là các trường đưa ra lời hứa hẹn “vừa học vừa làm” hầu hết chưa nói được tiếng Nhật ở mức giao tiếp đời sống hàng ngày khi đến Nhật. Các thực tập sinh trước khi nhập cảnh vào Nhật thường đã được học từ 3-6 tháng học tiếng Nhật ở các công ty phái cử.

Thậm chí, ngay trong một diễn đàn hợp tác và trao đổi nhân lực Việt Nam - Nhật Bản diễn ra tại Hà Nội, một chuyên gia về nhân lực đến từ Nhật Bản đã nhận xét về lao động Việt Nam: “Rất ít người có quyết tâm học tiếng Nhật để cải thiện đời sống, môi trường làm việc và xây dựng nền tảng cho tương lai. Có những công ty trả cả tiền lương cho thực tập sinh trong thời gian họ học tiếng Nhật vào thứ Bảy, Chủ nhật nhưng cũng không nhiều người học hành chăm chỉ”. 

Cũng theo chuyên gia này, cũng khá nhiều các lao động và du học sinh Việt Nam khi sang Nhật không hiểu biết và không hòa đồng được vào cuộc sống, xã hội Nhật, thay vào đó là chỉ tụ tập nhau để uống bia rượu, thậm chí ăn cắp ở các siêu thị, cửa hàng.

“Hầu hết họ không nghe được những gì người Nhật nói. Những du học sinh trường tiếng Nhật dạng “vừa học vừa làm” sau đó sẽ bị cuốn vào chuyện đi làm tối ngày. Môi trường học tiếng Nhật có tính “sách vở” và giao tiếp thuần túy theo “bài” với giáo viên tiếng Nhật trên lớp, những người đã quá quen thuộc với cách nói tiếng Nhật của người nước ngoài không giúp họ cải thiện kỹ năng tiếng Nhật”, vị chuyên gia Nhật Bản nhận xét. 

Không để “con sâu làm rầu nồi canh”

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio

Trao đổi với PV Báo PNVN, ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, cho rằng lao động Việt Nam có đức tính cần cù, chăm chỉ và sự đóng góp của lực lượng này cho xã hội Nhật là điều không thể phủ nhận.

Đại sứ Umeda Kunio cho biết: “Các lao động, nhất là các bạn trẻ Việt Nam rất chăm chỉ, cần cù. Tôi biết hiện nay các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam nói riêng đánh giá rất cao năng lực và sự cần cù của lao động Việt Nam.

Hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ quan tâm đến đầu tư trong lĩnh vực chế tạo mà đã tăng cường đầu tư trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, các doanh nghiệp Nhật Bản rất muốn sử dụng những lao động là các bạn trẻ từng có thời gian học tập và làm việc tại Nhật Bản, vì ngoài vấn đề nói tiếng Nhật rất tốt thì các bạn đó còn có hiểu biết về phong cách làm việc cũng như văn hóa của người Nhật Bản. Đó là lý do mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam rất muốn tuyển dụng đội ngũ này”.

Đại sứ Umeda Kunio cho rằng, cùng với việc các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư vào Việt Nam, cơ hội việc làm dành cho các thực tập sinh Việt Nam trở về từ Nhật cũng sẽ nhiều hơn. “Chúng tôi cũng được biết hiện nay có nhiều người học ở Nhật Bản và quay trở về Việt Nam nhưng đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm những công việc phù hợp. Song, tôi hy vọng họ sẽ có những cơ hội để kết nối và tìm kiếm được việc làm phù hợp trong thời gian sớm nhất”, ngài Umeda Kunio nói.

Tuy nhiên, theo ngài Umeda Kunio, bên cạnh những kết quả khả quan thì vấn đề thực tập sinh Việt Nam tại Nhật cũng đang tồn tại những hạn chế mà hai bên cần giải quyết, trong đó có việc nhiều công ty môi giới du học và lao động có hành vi lừa đảo người lao động nhưng chưa được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ. “Nếu xét về số lượng, hiện nay số thực tập sinh Việt Nam ở Nhật Bản đang đứng ở vị trí số 1 trên tổng số những thực tập sinh nước ngoài. Họ đang có những đóng góp rất lớn cho xã hội Nhật Bản. Tuy nhiên, cùng với việc gia tăng về số lượng như vậy thì cũng phát sinh một số vấn đề. Ở đây, tôi muốn nói đến việc một số công ty trung gian giới thiệu việc làm nhưng thực ra họ có những ý đồ không tốt và có những hành vi mang tính chất lừa đảo người lao động”, ngài Umeda Kunio nêu thực trạng

“Tôi mong muốn Chính phủ hai nước có thể thảo luận để đi đến thống nhất về các giải pháp để giải quyết vấn đề này, tạo cho người lao động của Việt Nam có ấn tượng tốt ở nước Nhật. Tức là những thực tập sinh Việt Nam khi tham gia học tập và làm việc tại Nhật Bản sẽ thấy rằng đó là việc rất hữu ích với họ trước mắt cũng như về tương lai sau này”, Đại sứ Umeda Kunio đề nghị.

"Tỷ lệ thực tập sinh phạm tội, trong đó có ăn cắp cũng là cao nhất, cao hơn Trung Quốc, Hàn Quốc. Số lượng người đi theo chương trình này rất nhiều, nhưng tình trạng vi phạm pháp luật, cư trú bất hợp pháp cũng gia tăng.Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu phía Việt Nam rà soát, chấn chỉnh để đưa những thực tập sinh tốt nhất, không vi phạm luật pháp sang Nhật Bản", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết.