Theo Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi - đại diện nhóm tác giả thực hiện đề tài nghiên cứu cho biết: “Trước khi bắt đầu điều tra, nghiên cứu này chúng tôi đã đặt ra câu hỏi: Những yếu tố kinh tế, xã hội nào tác động đến ly hôn ở Việt Nam? Đây là một đề tài rất khó vì ly hôn ở Việt Nam trong thời gian gần đây thay đổi nhiều bởi bối cảnh xã hội có nhiều chuyển biến như công nghiệp hóa, đô thị hóa, mở cửa, hội nhập quốc tế mạnh mẽ.
Phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động làm công ăn lương ngoài gia đình nhiều hơn, có sự bình đẳng giới hơn. Về mặt hôn nhân, độ tuổi kết hôn cũng tăng lên, thị trường hôn nhân được mở rộng. Tình dục thì tách khỏi hôn nhân (có thể quan hệ tình dục trước hôn nhân, quan hệ tình dục mà không liên quan đến hôn nhân...). Hôn nhân dựa trên tình yêu và tự quyết ngày càng nhiều. Quan niệm về tình yêu, hôn nhân, ly hôn, ly thân tự do hơn và gia đình hạt nhân hóa, có ít con ngày càng mở rộng...
 
Trong bối cảnh đó, gia đình Việt thay đổi rất nhiều, các thành viên quan tâm nhiều hơn đến tự do cá nhân. Quan niệm về hạnh phúc của mỗi người cũng khác với đòi hỏi về hạnh phúc ngày một nhiều hơn...
 
Thực tế điều tra về “Các yếu tố tác động đến ly hôn ở Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp Hà Nội, Khánh Hòa và Tiền Giang” với 900 mẫu khảo sát, gần 50% (438 người) trong đó đã ly hôn; kết quả cho thấy: Trình độ học vấn, việc cha mẹ quyết định chính hôn nhân của con, nơi ở nông thôn hay đô thị trước hôn nhân lần đầu, những xung đột vợ chồng, tình trạng ngoại tình, tình dục, khả năng đóng góp kinh tế của gia đình... có tác động nhất định đến ly hôn.
 
Với tác động về nơi ở, nếu trước khi lấy nhau, người chồng ở đô thị và vợ ở nông thôn thì tỷ lệ ly hôn là cao nhất (15,7%). Còn nếu trước khi lấy nhau, vợ ở đô thị - chồng ở nông thôn thì có tỷ lệ ly hôn là 2,8% - nguyên nhân có thể là do sự khác biệt, xung đột về lối sống, thói quen, ứng xử...
 
Về trình độ học vấn, những người có học vấn càng cao càng có khả năng ly hôn cao hơn. Trong tổng số 438 người ly hôn, có 185 nữ và 80 nam có trình độ từ cao đẳng, đến đại học, trên đại học, trong khi đó, tỷ lệ này ở người có trình độ tiểu học với nữ chỉ là 78 người (17,8%) và nam là 24 người (5,4%).
 
Về tác động của yếu tố nghề nghiệp và kinh tế thì những đối tượng là công nhân, người lao động giản đơn, phi nông nghiệp có xu hướng ly hôn nhiều hơn so với nông dân. Những cặp vợ chồng có người vợ hay người khác là người đóng góp chính vào thu nhập gia đình có nguy cơ ly hôn cao hơn các cặp vợ chồng có người chồng hay cả hai cùng đóng góp. Cụ thể, có 4,1% số người ly hôn được khảo sát cho rằng lý do ly hôn là do vợ có đóng góp chính về kinh tế, 8% ly hôn là do vợ chồng sống phụ thuộc về kinh tế vào người khác...

Về tác động của xung đột gia đình: Những gia đình có xung đột thường xuyên, có bạo lực (chủ yếu do chồng gây ra cho vợ), ngoại tình, cờ bạc, rượu bia có nguy cơ ly hôn cao hơn các gia đình khác. Tỷ lệ phụ nữ cho biết họ ly hôn lần đầu theo mức xung đột giữa vợ và chồng được khảo sát là do xung đột hàng tuần/tháng là 12,6% (nếu xung đột ít hơn hàng tháng thì chỉ là 1,3%)...
 
Nếu có xung đột vì ghen tuông, tình dục và ngoại tình diễn ra hàng tuần/tháng thì tỷ lệ ly hôn là 10%, trong khi đó, nếu không có xung đột loại này hoặc xung đột không thường xuyên thì tỷ lệ ly hôn chỉ là 1,1%...
 
Sau cùng, về thời gian kết hôn, kết quả cho thấy, tình trạng ly hôn xảy ra nhiều nhất trong khoảng 5 năm đầu và 10 năm đầu sau khi kết hôn. Thời gian tìm hiểu càng dài thì càng ít nguy cơ ly hôn...
 
Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi: “Theo số liệu của các Tòa án, trung bình mỗi năm có khoảng 200 nghìn vụ liên quan đến ly hôn. Tỷ lệ ly hôn tính theo dân số 15 tuổi trở lên thì nam vào khoảng 1,8% và nữ khoảng 3%”.
 
Theo công trình nghiên cứu xã hội học của TS Nguyễn Minh Hòa (Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM), tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam là 31,4%, tức là cứ 3 cặp kết hôn lại có 1 cặp ly hôn. 60% số vụ ly hôn này thuộc về các gia đình trẻ, tuổi vợ chồng chỉ từ 21 đến 30, trong đó 70% số vụ ly hôn khi kết hôn 1-7 năm và hầu hết đã có con.

 

 T. Hiền