Ảnh minh họa

 Dưới đây là những lầm tưởng phổ biến về tiêu dùng cá nhân, theo Business Insider.

Trả các món nợ nhỏ trước

Nếu nhìn vào các con số, thông minh nhất là trả các khoản nợ có tỷ lệ lãi suất cao nhất trước. Bằng cách đó, bạn sẽ đỡ phải gánh lãi và trả nợ nhanh hơn. Nhưng sau khi thực hiện một loạt thử nghiệm, các nhà nghiên cứu tại Harvard Business Review kết luận rằng người trả nợ sẽ có thêm động lực khi thấy các khoản nợ nhỏ được thanh toán. Từ đó, họ có thêm tinh thần để tiếp tục trả các khoản khác, Remi Trudel, thành viên nhóm nghiên cứu, viết.

Blogger về tài chính cá nhân Derek Sall là người đã áp dụng cách này để trả khoản nợ trị giá gần 100.000 USD của mình (bao gồm trả góp tiền nhà).

"Tôi khuyến nghị mọi người trả nợ từ khoản nhỏ nhất tới lớn nhất và đừng quá bận tâm tới lãi suất", ông viết. "Chắc chắn, khoản nợ thẻ tín dụng lãi 18% có thể khiến bạn hoang mang. Nhưng nếu bạn giải quyết được những món nợ nhỏ hơn với sự quyết tâm cao độ, bạn sẽ sớm thanh toán được các món nợ khác - nhanh hơn mức bạn tưởng", ông viết.

Một trong những cuộc trò chuyện quan trọng nhất phải có trước hôn nhân là về vấn đề tiền bạc. Tình trạng tài chính của vợ hay chồng bạn thế nào? Họ đã trả xong nợ nần chưa? Họ đã tiết kiệm được bao nhiêu? Họ có đang đầu tư? Với một số đôi, một câu hỏi nữa cần đặt ra là cả hai có nên gộp chung các khoản.Tách bạch tài chính giữa vợ và chồng

Vợ chồng không chung tài khoản ngân hàng là bình thường, miễn là bạn không giấu diếm gì bạn đời. Có nhiều trường hợp việc này còn có tác dụng tốt, chẳng hạn khi một người có nhiều tiền hơn hẳn người kia hay nếu một trong hai người có con riêng. Nhưng dù bạn có chung tài khoản hay không đều cần thảo luận cởi mở và thành thật với nhau về thói quen cũng như mục tiêu tiền bạc của mình. 

Lựa chọn khác, như Sophia Bera, nhà sáng lập công ty hoạch định Gen Y Planning gợi ý, là tạo các khoản "của anh, của em và của chúng ta". Cụ thể, cả hai có tài khoản chung cho các chi phí trong gia đình và tài khoản riêng để duy trì tự do cá nhân.

Thuê hơn là mua

Mặc dầu nhiều chuyên gia tài chính tán dương lợi ích lâu dài đi liền với việc sở hữu nhà, đừng nghĩ rằng bạn đang phí tiền khi đi thuê. 

"Tôi nghĩ nhiều người trẻ đánh giá thấp việc thuê nhà", chuyên gia quản lý tài chính Ben Carlson phân tích. "Khi bạn còn trẻ, thuê nhà mang tới cho bạn nhiều lựa chọn hơn. Nhiều người nói họ không muốn đóng tiền nhà cho người khác nhưng khi bạn trẻ và chưa kết hôn, việc này cho bạn khả năng lựa chọn chỗ ở tiện lợi với công việc và dễ dàng di chuyển tới nơi khác khi tìm việc mới. Mua một ngôi nhà tốn kém hơn nhiều người tưởng, vì không chỉ có tiền trả cho ngôi nhà đó", ông nói.

Thực sự, không như chủ nhà, người thuê không phải đóng thuế nhà đất, lãi suất trả góp hay phí bảo trì. Nhưng hãy nhớ rằng thị trường bất động sản khác biệt rất lớn giữa các vùng, vì vậy việc mua có thể rẻ hơn thuê ở một số thành phố và ngược lại. Cuối cùng, dù bạn mua hay thuê, nên chi cho khoản trả hàng tháng dưới 30% thu nhập của mình.

Nợ nần

Nợ nần là điều chẳng ai muốn. Nhưng hãy cân nhắc hai trường hợp việc mang nợ lại có thể giúp bạn vượt lên: vay để đi học và vay mua nhà.

"Lợi thế tăng thu nhập sau khi học xong khiến các khoản nợ sinh viên là một trong những kiểu 'nợ tốt", các chuyên gia phân tích.

Tương tự, nếu bạn có được lãi suất hấp dẫn khi vay trả góp mua nhà, bạn cũng sẽ có lợi về lâu dài. 

Điều quan trọng nhất là: Mắc nợ không phải là xấu nếu khoản đó có thể trả với một mục tiêu tài chính rõ ràng.

Không đề ra ngân sách cố định cho các khoản chi tiêu

Tạo ngân sách có thể là công cụ cực kỳ hữu ích cho một số người đặc biệt là những ai hay "vung tay quá trán". Nhưng điều đó không có nghĩa là nó phù hợp với mọi người. Nhiều người vẫn có trách nhiệm về tài chính mà chẳng cần phải đặt ra hạn mức chi tiêu nào. 

"Nhiều người cố gắng ghi chép chi tiêu và sau vài tháng, họ thấy phát bực với việc này", tác giả cuốn sách bán chạy về làm giàu David Bach cho biết.

Chuyên gia này ví việc lên ngân sách cho các khoản chi tiêu giống như ăn kiêng hay tập thể dục: Nếu bạn không thấy thích thú thì khả năng duy trì việc đó là rất hiếm. Nhưng nếu bạn không thích kiểu ấn định chi ly từng khoản, thì nên theo dõi các khoản chi tiêu qua các ứng dụng trên điện thoại. Như vậy bạn không phải lo mình tiêu quá tay mà vẫn không phải lo tính từng khoản nhỏ.

Ngoài ra, nên có kế hoạch chi tiêu cụ thể. Ngay khi được trả lương, để riêng khoản tiền cho đầu tư, tiết kiệm và quỹ khẩn cấp trước. Tốt nhất, nên tự động hóa các việc này để bạn khỏi phải bận tâm đến chúng. Sau đó bạn thoải mái sử dụng số tiền còn lại để trả hóa đơn, mua hàng cần thiết sau khi đã để dành ít nhất 20%.

Đầu tư khi bạn không phải là "nhà đầu tư"

Mặc dù điều này có vẻ đáng lo, đầu tư không phải cuộc chơi của riêng ai. Bạn không cần phải trở thành thiên tài về chọn chứng khoán hay một người kiếm được món tiền lớn mới có thể khiến tiền đẻ ra tiền về lâu dài. 

Vấn đề là, trước khi đầu tư vào đâu, bạn cũng cần tìm hiểu kỹ càng và nên chọn hình thức ít rủi ro, đầu tư ít một, không vì sự xúi giục hay đi theo đám đông. 

                                                                                Theo VNExpress