Nhiều nơi ở Lào vẫn đang bị cô lập

Tối 24/7, trao đổi với VnExpress, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết, sự cố vỡ đập thủy điện ở tỉnh Attapeu (Lào) khiến một số khu vực của công ty bị chia cắt, không có đường ra. 

"24 công nhân của công ty đang làm việc ở nông trường bị mắc kẹt. Sáng mai HAGL sẽ điều trực thăng vào rốn lũ để cứu họ", ông Đức cho biết.

Tỉnh Attapeu là nơi HAGL đầu tư hàng chục nghìn hecta cao su và sân bay 800 tỷ đồng. Theo ông Đức, thời gian tới, tập đoàn cũng sẽ lên phương án phối hợp cùng cơ quan chức năng nước bạn Lào tham gia cứu hộ khi có yêu cầu.

Khoảng 20h ngày 23/7, đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy bị vỡ được cho đã làm hơn 5 tỷ mét khối nước đổ xuống hạ lưu. 

Văn Phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết sự việc khiến 70 người chết, hơn 200 người mất tích, nhiều tài sản bị nước cuốn trôi. Nhà chức trách Lào đã huy động hơn 200 người trong đó có một trung đoàn và một sư đoàn tham gia cứu nạn.

Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đã thông báo Quân khu 5, Quân đoàn 3, Quân chủng Phòng không - Không quân và Binh đoàn 18 sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp nước bạn theo lệnh của của Bộ khi được yêu cầu.

Trước sự cố trên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện thăm hỏi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. 

Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cho hay các cán bộ lãnh sự quán tại tỉnh Champasak đã có mặt ở huyện Sanamxay. Lực lượng cứu hộ Lào đang nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ các nạn nhân, nhưng chưa ghi nhận nạn nhân nào là công dân Việt Nam hay người nước ngoài khác.

Dự án do công ty PNPC của Lào thi công, gồm ba con đập nằm trên các nhánh của sông Mekong. Công trình có tổng kinh phí 1,02 tỷ USD, được khởi công từ tháng 2/2013 và dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay. Nhà máy thủy điện mới sẽ có sản lượng 410 megawatt, trong đó 90% điện sẽ được xuất khẩu cho Thái Lan, phần còn lại hòa vào lưới điện địa phương.

Theo VNExpress