Ảnh minh họa

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, ngày 29/11/2006, Quốc hội khóa XI tại kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2007. Sự ra đời của Luật đã đánh dấu một bước phát triển mới trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của nước ta, khẳng định chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến lĩnh vực này. Việc ban hành Luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và hệ thống các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ để điều chỉnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, phù hợp với điều kiện trong nước và quốc tế, tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đồng thời tăng cường công tác quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, một số quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế khiến việc thi hành trong thực tiễn gặp vướng mắc, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và công tác quản lý của nhà nước như còn có xung đột với luật pháp nước tiếp nhận lao động, chưa điều chỉnh hết mọi đối tượng đi làm việc ở nước ngoài, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp, một số quy định chưa rõ ràng khiến doanh nghiệp có thể “lách luật” cũng như có những quy định chưa phù hợp với thực tiễn, xu thế vận động...

Ngoài ra, qua thời gian thực hiện, Luật cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần phải nghiên cứu sửa đổi bổ sung như những quy định về hình thức đi làm việc ở nước ngoài, những quy định về điều kiện cấp, đổi giấy phép cho các doanh nghiệp, về số lượng và các giới hạn hoạt động của chi nhánh doanh nghiệp, về nội dung thu và mức thu phí của người lao động, vấn đề tuyển chọn và tạo nguồn lao động v.v...

Những vấn đề bất cập nêu trên của Luật đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả cũng như mục tiêu đặt ra trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua, dẫn tới quy mô lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa tương xứng với nhu cầu thực tế của thị trường tiếp nhận và tiềm năng về nguồn lao động, chất lượng nguồn lao động chưa cao, tình trạng lao động vi phạm hợp đồng, bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp ở nhiều thị trường vẫn ở tỷ lệ cao, thị trường phát triển chậm và thiếu ổn định.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đề xuất của Bộ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồngtập trung vào 6 vấn đề: (1) Mở rộng và điều chỉnh hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; (2) Điều chỉnh, cụ thể hóa quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề “hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài” và giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; (3) Điều chỉnh các quy định về nâng cao chất lượng nguồn lao động để đảm bảo có nguồn lao động đáp ứng yêu cầu của người sử dụng; (4) Điều chỉnh các quy định về chi phí người lao động phải nộp phù hợp với thực tế thị trường, xu hướng quốc tế, bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động; (5) Quy định rõ hình thức và mở rộng phạm vi hoạt động của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; (6) Nâng cao trách nhiệm của người lao động khi làm việc ở nước ngoài, giảm tỷ lệ vi phạm hợp đồng, không về nước sau khi hết hạn hợp đồng. Đồng thời, rà soát để sửa đổi, bổ sung những quy định của Luật số 72 mang tính kỹ thuật. Không làm thay đổi những chính sách lớn của Luật số 72 đã được Quốc hội khóa XI thông qua.

Theo Báo điện tử Chính Phủ