Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa (đứng) trong buổi tọa đàm với nữ công nhân

Đoàn đã thực hiện tọa đàm với công nhân nữ, đại diện chủ sử dụng lao động tại 3 doanh nghiệp có đông lao động nữ của tỉnh Hà Tĩnh. 

Tại công ty Cổ phần May Hà Tĩnh, doanh nghiệp có gần 300 lao động nữ, Đoàn đã có buổi tọa đàm với 25 công nhân nữ. Đoàn đã lắng nghe những chia sẻ của công nhân nữ tại công ty may về điều kiện làm việc, mức lương, các chế độ bảo hiểm, việc thực hiện các quy định về thai sản, cũng như những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.

Tại buổi tọa đàm, các lao động nữ đã thảo luận về thực trạng ký kết hợp đồng lao động, quy định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; nghĩa vụ của người sử dụng lao động; quy định làm thêm giờ; quấy rối tình dục nơi làm việc; khó khăn lao động nữ sau 35 tuổi…

Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa đã ghi nhận những nguyện vọng của các công nhân nữ như nhu cầu về nhà trẻ, lớp mầm non cho con của công nhân nữ, mong muốn không tăng tuổi nghỉ hưu đối với những ngành nghề nặng nhọc độc hại…

Tại công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh, Đoàn đã có buổi tiếp xúc với người sử dụng lao động và lãnh đạo Công đoàn công ty.

Nữ công nhân chia sẻ về những băn khoăn liên quan đến tuổi nghỉ hưu,
 việc làm sau 35 tuổi

Trong buổi làm việc, đoàn ghi nhận những đề nghị của Ban giám đốc công ty về việc mong được hỗ trợ cơ sở vật chất để công ty tổ chức nhà trẻ cho các nữ công nhân có con nhỏ, giúp họ yên tâm gắn bó làm việc lâu dài với công ty. Công ty đã bố trí quỹ đất và nguồn lương cho giáo viên trông trẻ. tuy nhiên hiện chưa có cở sở vật chất để xây dựng nhà trẻ.

Cũng trong chương trình giám sát, Đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh và các ban ngành liên quan đến việc triển khai thực hiện các chính sách đối với lao động nữ trên địa bản tỉnh Hà Tĩnh.

Tại buổi làm việc, đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Tĩnh cho biết số lao động nữ đang làm việc trong các doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng là 23.822 người, chiếm 29,68% tổng số lao động của toàn tỉnh. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 292.000 lượt người, trong đó nữ chiếm 50,18%.

Trong những năm qua, việc thực hiện quy định cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, mỗi ngày được nghỉ 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt sữa, cho lao động nữ nghỉ sinh 6 tháng nhìn chung đã được thực hiện nghiêm túc trong khối các cơ quan hành chính.

Tuy nhiên, với khối doanh nghiệp, hợp tác xã, việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn. Về cơ bản, các doanh nghiệp chưa có phòng vắt sữa cho nữ công nhân có con dưới 12 tháng tuổi, đa số phụ nữ sinh con sau 4 tháng đã đi làm, cá biệt một số trường hợp sinh con sau 1-2 tháng đã đi làm trở lại.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa đã ghi nhận những nỗ lực cố gắng của các ban ngành của tỉnh Hà Tĩnh nhằm thực hiện các chính sách liên quan đến lao động nữ theo quy định của Bộ Luật lao động.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa cũng lưu ý các ban ngành cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh về một số tồn tại hạn chế. Cụ thể: một số chính sách quy định chưa đi vào cuộc sống như quy định về xây dựng các phòng vắt sữa cho lao động nữ tại nơi làm việc, nhiều công nhân của các doanh nghiệp chưa có nhà trẻ, trường mầm non để gửi con nhỏ, một số nhà trẻ đã được tổ chức nhưng còn tạm bợ, cơ sở vật chất nghèo nàn. Bên cạnh đó, công tác nâng cao nhận thức pháp luật cho người lao động cũng như giới chủ sử dụng lao động chưa được thực hiện tốt. Điều này dẫn đến tình trạng những đối tượng kể trên chưa nhận thức đầy đủ về những quyền những ưu đãi theo quy định của pháp luật. Đơn cử, đại diện chủ doanh nghiệp đông lao động nữ chưa biết về quy định được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như các khoản giảm khi chi cho lao động nữ khi xác định thu nhập chịu thuế… Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa cũng lưu ý về tình trạng đa số lao động nữ còn tự ti, ngại học hỏi, phấn đấu…

Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa cũng ghi nhận các ý kiến của các ban ngành của tỉnh Hà Tĩnh, đề xuất trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đến khu vực lao động phi chính thức, một số vấn đề liên quan đến tuổi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động…      

Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch cũng kiến nghị, tỉnh cần tạo điều kiện hơn nữa để Hội LHPN phát huy vai trò trong việc thực hiện các đề án của Chính phủ liên quan đến lao động nữ; quan tâm đến yếu tố giới trong cơ cấu cán bộ…

Kết luận buổi làm việc, ông Đặng Quốc Vinh,  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, ghi nhận kết quả công tác thực hiện chính sách lao động nói chung, lao động nữ nói riêng trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đánh giá cao vai trò của nữ giới trong phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tiếp thu những ý kiến đóng góp của đoàn giám sát và khẳng định, tỉnh rất quan tâm đến vấn đề thực hiện chính sách đối với lao động nữ. Tuy nhiên, do điều kiện thực tế của tỉnh những năm gần đây gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng đến tình hình lao động, do đó, còn những hạn chế nhất định.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan khắc phục khó khăn, bám sát tình hình thực tế các vấn đề về lao động nữ để hoàn thành tốt niệm vụ được giao. Đồng thời, đề nghị đoàn giám sát của Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổng hợp ý kiến của địa phương để có cơ sở đề xuất trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sắp tới. 

 PV