“Với một nền kinh tế năng động và dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam góp phần tạo nên một thị trường lao động rộng lớn trong khuôn khổ APEC. Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hứa hẹn biến Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư lý tưởng, hấp dẫn và bền vững trong tương lai” - bà Miranda Kwong nhận định.



Tuy nhiên, những thay đổi nhanh chóng về khoa học công nghệ như robot tự động, trí thông minh nhân tạo, sự bao phủ rộng rãi của Internet… đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới thế giới việc làm, mang tới cả cơ hội và thách thức trong việc hình thành, thực hiện và quản lý công việc. Đặc biệt, với khả năng tạo ra nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên tăng năng suất lao động, những hình thái mới của việc làm có thể tạo ra thách thức cho những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, theo đó, nhiều ngành nghề sẽ biến mất trong tương lai.


Một nghiên cứu gần đây của ILO cho thấy 3/5 tổng số việc làm trong ASEAN có thể bị thay thế bởi máy móc trong thập niên tới. Trong đó, mhóm lao động là phụ nữ dễ bị thay thế với tỷ lệ cao hơn 2,4 lần so với nam giới.

Trong bối cảnh đó, để duy trì việc làm cho lao động nữ, việc đào tạo lại và nâng cao kỹ năng lao động là những việc quan trọng mà các nền kinh tế cần làm. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục, đào tạo và phát triển kỹ năng cần chú trọng tính linh động, tạo điều kiện để lao động nhanh chóng thích nghi được những thay đổi công nghệ giữa các nền kinh tế.

Ngoài ra, việc tăng cường các chính sách bảo trợ xã hội, đặc biệt là đối với phụ nữ và nhóm người dễ bị tổn thương cũng rất cần thiết, nhằm đảm bảo sự tiếp cận của họ đối với những nhu cầu tối thiểu như chăm sóc sức khỏe, an ninh thu nhập. Điều này còn góp phần quan trọng cho việc nâng cao năng suất lao động và tái cơ cấu.

“Hiện tương lai việc làm chưa được định hình rõ ràng. Một số nhân tố, bao gồm những bước đột phá khoa học kỹ thuật được xem là lực đẩy chính làm thay đổi hoàn toàn thế giới việc làm thông qua việc mở ra hàng loạt cơ hội cũng như thách thức cho những nền kinh tế thành viên APEC. Việt Nam vẫn cần vượt qua hàng loạt thách thức để đảm bảo lực lượng lao động có thể thích nghi với thực tại và đáp ứng kỳ vọng của người sử dụng lao động”, Miranda Kwong khuyến nghị.


Theo Phunuvietnam.vn