Điều đáng quan ngại là nếu không giảm mức lao động bỏ trốn xuống dưới con số 4% vào năm 2019 theo ký kết giữa hai bên, có thể thị trường Hàn Quốc sẽ đóng cửa với lao động Việt. Bên cạnh đó, việc làm trái quy định của số lao động này cũng đang ảnh hưởng đến rất nhiều người khác, cũng có mong muốn chính đáng được đi xuất khẩu lao động.

Một người làm, cả làng cùng chịu

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến kỳ thi tiếng Hàn năm 2018, càng gần đến ngày thi, anh Nguyễn Ngọc Tuyền hiện đang làm nghề phụ hồ ở khu vực phường Khương Đình, quận Thanh Xuân càng cảm thấy tiếc nuối.

Tốt nghiệp cấp 3, không thi đậu đại học, Tuyền đi làm để đỡ đần bố mẹ. Quê ở Nghệ An, 3 năm theo các chú, các bác ra Hà Nội làm nghề phụ hồ, công việc vất vả nhưng thu nhập mỗi tháng trừ ăn uống sinh hoạt cũng chỉ gửi về cho bố mẹ được khoảng 2 triệu đồng. Chính vì thế, Tuyền về bàn với bố mẹ, quyết tâm vay mượn để đi xuất khẩu lao động hy vọng đổi đời. Gần 1 năm đeo đuổi học tiếng Hàn, cũng đã tiêu tốn hơn 30 triệu, thế nhưng khi Bộ LĐ - TB-XH công bố danh sách 49 quận, huyện bị cấm tham gia kỳ thi năm nay, Tuyền cũng chỉ biết ngậm ngùi. "Từ hôm biết không được thi em rất chán nản. Lỗi của em chỉ là do hộ khẩu thuộc huyện… Thanh Chương. Bố mẹ rất hy vọng vào việc em sẽ được đi xuất khẩu lao động để có thể giúp đỡ gia đình, nhưng giờ không được thì bố mẹ cũng buồn. Bố mẹ vẫn động viên năm nay không được thì sang năm. Em nghe nói huyện em có mấy chục người bỏ trốn ở bên đó. Chỉ vì mấy chục người đó mà ảnh hưởng đến rất nhiều người cũng có nguyện vọng chính đáng như chúng em. Như thế thì không công bằng", Tuyền chia sẻ. Tuyền cho biết sẽ tiếp tục ở Hà Nội làm như trước đây và chờ đợi kỳ thi năm sau.

Vượt qua được kỳ thi tiếng Hàn không dễ bởi lượng thí sinh tham gia rất đông, vì thế Lê Xuân Thắng, quê ở xã Nam Hồng, Nam Trực, Nam Định đã không đỗ ở kỳ thi năm 2017. Quyết tâm đi xuất khẩu lao động, Thắng tiếp tục ôn luyện tiếng Hàn để tham gia kỳ thi năm nay. Thế nhưng gần đến kỳ thi, Lê Xuân Thắng mới ngã ngửa khi biết thông tin huyện Nam Trực, Nam Định cũng nằm trong danh sách bị cấm tham gia kỳ thi lần này. "Tính ra tiền theo đuổi học tiếng 2 năm qua ở Hà Nội cũng không ít, trong khi đó thi tiếng Hàn còn khó hơn cả thi đại học. Vậy mà vì một số ít người bỏ trốn mà bọn em không được thi. Nghĩ đi nghĩ lại thấy lệnh cấm này bất hợp lý quá, không lẽ tụi em không làm gì sai mà giờ phải chịu thay những lao động kia. Mong sao cơ quan quản lý nhà nước sớm có nghiên cứu để bỏ lệnh cấm này đi", Thắng tâm sự.

Mệt mỏi sau hai năm mất không ít công sức và tiền của, Thắng cho biết trước mắt sẽ về quê nộp hồ sơ xin vào làm công nhân giày da ở gần nhà để đỡ đần bố mẹ.

Giảm nhưng vẫn lo

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện Việt Nam vẫn đang còn hơn 15.000 lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tỉ lệ lao động bất hợp pháp năm 2016 khoảng 35,7%, năm 2017 đã giảm xuống 34,6%.

Tuy nhiên con số này vẫn đang lớn hơn rất nhiều so với con số 4% mà Bộ LĐ-TB-XH đã cùng với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc ký bản ghi nhớ bình thường hóa việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tháng 5- 2016.  Nếu vượt quá 4% so với mức hai bên cam kết thì sẽ dừng việc đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. Có thể thấy, công sức đàm phán để nối lại biên bản ghi nhớ sau một thời gian tạm dừng có nguy cơ "mất trắng" nếu chúng ta không bảo đảm được tỉ lệ lao động bỏ trốn như thỏa thuận.

Theo đại diện Trung tâm Lao động ngoài nước, thời gian qua phía Việt Nam đang tích cực triển khai các giải pháp như hỗ trợ lao động sau khi về nước, tạo điều kiện thủ tục cho người lao động (NLĐ) có cơ hội quay trở lại Hàn Quốc làm việc lần thứ 2. Nếu NLĐ không có nguyện vọng, không có cơ hội quay trở lại Hàn Quốc làm việc lần thứ 2 thì Trung tâm Lao động ngoài nước thường xuyên phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm của các Sở LĐ- TB-XH tổ chức các phiên giao dịch, hội chợ việc làm dành riêng cho lao động EPS về nước để tạo cơ hội việc làm cho người lao động với mức thu nhập cao với các kỹ năng người lao động đã có sau thời gian làm việc ở Hàn Quốc.  "Tỉ lệ, số lượng lao động bỏ trốn tại thị trường này đã giảm nhẹ tuy nhiên vẫn chưa được như cam kết. Chúng tôi rất hy vọng tới đây với sự vào cuộc chung của tất cả các cấp, các ngành, ý thức của NLĐ, cũng như thân nhân lao động được nâng cao hơn nữa thì chúng ta sẽ giảm được, cùng với sự phối hợp của phía Hàn Quốc trong việc xử lý các doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp", bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định, để giải quyết tình trạng này, thời gian tới chắc chắn phải triển khai nhiều giải pháp. Chẳng hạn như việc ký quỹ và xử lý tiền ký quỹ của NLĐ như thế nào."Tôi vừa đi một số địa phương, hiện nay có cái mắc như là xử lý tiền ký quỹ của NLĐ. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng mà chúng tôi muốn nói đến đó là vấn đề gốc. Phải vận động tuyên truyền từ địa phương, tuyên truyền cho gia đình NLĐ, bản thân NLĐ để động viên con em họ. Chính quyền địa phương phải tích cực vào cuộc để NLĐ có ý thức tốt hơn trong việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật của cả Việt Nam lẫn phía Hàn Quốc", ông Liêm nói.

Danh sách 49 quận/huyện của 12 tỉnh thành bị cấm đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc 2018 gồm: Nghệ An (TP Vinh, huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương); Thanh Hóa (huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa, Triệu Sơn, Nga Sơn); Hà Tĩnh (huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Đức Thọ, Thạch Hà, Kỳ Anh, Can Lộc); Hà Nội (Thường Tín, Đan Phượng, Quốc Oai), Hải Dương (huyện Cẩm Giàng, thị xã Chí Linh, TP Hải Dương, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Bình Giang, Thanh Hà), Thái Bình (huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải, Đông Hưng), Nam Định (TP Nam Định, Nam Trực, Giao Thủy); Bắc Ninh (huyện Lương Tài, Gia Bình), Quảng Bình (huyện Bố Trạch, thị xã Ba Đồn, TP Đồng Hới), Hưng Yên (Khoái Châu, Kim Động), Bắc Giang (Lục Nam), Phú Thọ (TP Việt Trì, Lâm Thao).

 



Theo Người Lao động