Tập trung vào thị trường Đông Bắc Á

Theo Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam, năm 2016 số lao động đi làm việc tại khu vực Đông Bắc Á khoảng 100.000 người, chiếm gần 92% tổng số lao động xuất khẩu; trong đó lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) tiếp nhận hơn 63.000 người, chiếm hơn 54%. Bình quân thị trường này mỗi tháng tiếp nhận hơn 5.300 người.

Lao động xuất khẩu tại thị trường Nhật Bản đạt khoảng 37.000 người, tăng 36% so với năm trước, chiếm tỷ lệ 31% tổng số lao động đưa đi xuất khẩu. Lao động đi làm việc tại Hàn Quốc đạt hơn 7.500 người, bình quân mỗi tháng Hàn Quốc tiếp nhận 660 người. Quy mô tiếp nhận lao động Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc tăng 14% so với năm trước.

Lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.c Ảnh: dolap.gov.vn

Theo đánh giá của Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, thị trường Nhật Bản vẫn tăng trưởng đều về số lượng do điều kiện làm việc bảo đảm, thu nhập khá cao. Hiện thị trường Nhật Bản còn mở thêm một số nghề như: Bảo dưỡng hoặc dọn dẹp vệ sinh các tòa nhà cao ốc... Nhật Bản cũng đang xem xét sửa luật để nâng thời gian ở lại làm việc lên 5 năm thay vì 3 năm như hiện nay. Sang năm 2017, các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc sẽ vẫn là 3 thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam.

Khu vực Đông Nam Á chỉ có hơn 2.000 lao động Việt Nam đi làm việc, giảm 71,72% quy mô so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 2 thị trường chủ yếu tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc là Malaysia và Singapore, chiếm gần 99% số lao động đưa đi trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), trong giai đoạn 2010 - 2015, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài xấp xỉ 450.000 người, bình quân mỗi năm đưa đi khoảng 80.000 - 90.000 lao động. Riêng hai năm 2014 và 2015, mỗi năm cả nước đưa được trên 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2016, đạt chỉ tiêu cao nhất là hơn 115.000 lao động.

Chấn chỉnh doanh nghiệp

Hiện có 277 doanh nghiệp được cấp giấy phép về xuất khẩu lao động và dự kiến con số này sẽ không ngừng tăng lên do các chi nhánh, trung tâm của các doanh nghiệp đã có giấy phép tách ra và thậm chí cả những doanh nghiệp chưa từng tham gia lĩnh vực này cũng nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép. Cục Quản lý lao động ngoài nước đang nghiên cứu đề xuất những điều kiện đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này để bổ sung sửa đổi Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới; đồng thời tổ chức hậu kiểm với các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép để đảm bảo chỉ các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện mới tiếp tục được hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, một số địa phương cũng tăng cường quản lý tuyển dụng lao động đi xuất khẩu tại địa phương. Đơn cử như Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn thực hiện đúng các quy định về tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, các doanh nghiệp phải niêm yết công khai số lượng lao động cần tuyển, giới tính, tuổi, công việc sẽ đảm nhận, nơi làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện sức khỏe, tay nghề, ngoại ngữ, cũng như các khoản phí phải đóng góp để đi làm việc ở nước ngoài, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt là khi tuyển chọn lao động tại địa phương, doanh nghiệp phải cam kết với người lao động về thời gian cho xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển.

Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục thực hiện các biện pháp chấn chỉnh hoạt động đưa lao động sang Đài Loan (TQ), Nhật Bản, Ả rập Xê út, trong đó rà soát lại các doanh nghiệp đã cấp phép; phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Dạy nghề đào tạo kỹ năng ngắn hạn, định hướng giáo dục, bồi dưỡng tập huấn cho người lao động; phối hợp với Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đưa lao động ở các huyện nghèo, bãi ngang ven biển đi xuất khẩu lao động…

Năm 2017, Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục đưa được từ 100.000 - 115.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 70 - 80% là lao động đã qua đào tạo; duy trì đưa từ 60.000 - 65.000 lao động mỗi năm sang làm việc tại Đài Loan (TQ), 20.000 - 35.000 lao động sang Nhật Bản.

Theo baotintuc.vn