Nhiều NLĐ sau khi nghỉ việc phải buôn bán tự do để mưu sinh. Ảnh minh họa

Chật vật đi xin việc

“Tuyển 200 lao động phổ thông. Yêu cầu, tuổi từ 18 đến dưới 30. Lương khởi điểm 4 triệu đồng/tháng. Được tham gia BHXH, BHYT, BHTN…” - là một mẫu tuyển dụng tại Cty chuyên may ba lô túi xách tại KCN Sóng Thần, Bình Dương. Nhìn tấm bảng có thông tin tuyển dụng, chị Nguyễn Thị Mai (quê Nam Định) lại thất vọng ra về.

Chị Mai vốn là công nhân (CN) của một Cty may, có thâm niên 18 năm trong nghề. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017, Cty cắt giảm lao động và đối tượng bị nhắm đến là những CN tầm tuổi 40.

Chị Mai trình bày: “18 năm theo nghề may thì có hơn 10 năm gắn bó với Cty cho đến khi bị cho nghỉ. Cty không ép mà mời mình lên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ, có chi trả các khoản trợ cấp. Mình cũng buồn nhưng không lẽ bắt Cty phải nhận mình ở lại trong khi họ không muốn”.

Sau khi nghỉ việc, chị Mai đã dạo qua một số Cty để tìm việc làm, tuy nhiên chỗ nào cũng yêu cầu lao động tuổi từ 18 đến dưới 30. “40 tuổi như tôi đã là quá già” - chị Mai thở dài: “Tôi đã tham gia BHXH được 18 năm. Còn 2 năm nữa là đủ năm đóng BHXH để được nhận lương hưu. Tôi sẽ cố gắng xin việc làm mới để tiếp tục tham gia BHXH, còn nếu không xin được việc, sẽ tham gia BHXH tự nguyện vài năm”.

Theo tìm hiểu của PV, để “hợp thức hóa” việc cho NLĐ lớn tuổi nghỉ việc, các Cty sẽ “tư vấn” cho NLĐ những vấn đề liên quan đến chính sách, quyền lợi của NLĐ như chế độ bảo hiểm thay đổi kéo dài, nếu làm đến 55-60 tuổi cũng không đủ thời gian để đóng BHXH, do đó NLĐ nên nhận một khoản tiền trợ cấp thôi việc để làm vốn làm ăn, kinh doanh. Khi NLĐ nghe theo, đồng ý chấm dứt HĐLĐ sẽ được Cty chi trả trợ cấp thôi việc, mỗi năm làm việc là nửa tháng lương và nếu làm 15 năm sẽ được nhận hàng chục triệu đồng. Theo ông Vũ Ngọc Hà, những trường hợp công nhân bị nghỉ việc như vậy sẽ rất khó tìm được công việc mới do đã lớn tuổi!

Nhọc nhằn… mưu sinh

Sau 15 năm làm việc tại một Cty chế biến thủy sản, chị Võ Thị Phước (quê Quảng Nam) không thể nào đáp ứng được nhu cầu tăng ca của Cty. Do Cty áp dụng trả lương cho NLĐ dựa trên năng suất lao động nên những lao động trẻ làm nhanh, chị trên 42 tuổi, sức khỏe giảm nên ảnh hưởng đến dây chuyền. Nhiều lần bị người sử dụng có ý kiến nên chị chủ động xin nghỉ việc. Không tìm được việc làm mới sau khi nghỉ việc, chị Phước đi bán cà phê cóc tại các công trường xây dựng.

“Cty không ép nhưng sức khỏe của mình không có thì mình phải nghỉ. Khi trong người mắc các bệnh về xương khớp, viêm mũi nữa nên đi xin việc bên ngoài rất khó. Mình không có trình độ thì làm sao có việc gì nhẹ nhàng, lao động tay chân thì không có sức khỏe. Hơn nữa, nếu tôi chuyển đổi công việc sang nghề may, phải học việc lại từ đầu mà không “đua” được với CN trẻ, lương lại không cao.

Với 15 năm đóng BHXH, tôi đang để đấy, nếu việc bán cà phê thuận lợi, tôi sẽ tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, còn không, tôi sẽ nhận BHXH một lần rồi về quê” - chị Phước chia sẻ.

Làm việc trong dây chuyền lắp ráp động cơ của một DN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được 4 năm, vào tháng 7.2016, anh N.Đ.C bị Cty yêu cầu ký vào biên bản chấm dứt HĐLĐ. Anh N.Đ.C cho biết, trước khi làm việc tại Cty, anh đã hơn 33 tuổi và có biết sửa chữa xe máy một chút. Khi vào Cty và lúc chấm dứt HĐLĐ, anh luôn được đánh giá là người chịu khó, nhiệt tình trong công việc và chưa bao giờ vi phạm quy chế Cty.

“Tôi nghĩ rằng, lý do tôi bị chấm dứt HĐLĐ là do công việc của tôi dễ đào tạo và nếu tuyển CN trẻ, thì Cty phải trả lương thấp hơn và các chế độ BHXH cũng thấp hơn. “Tôi cũng xuống Hà Nội vào các KCN để tìm việc, nhưng họ lại tuyển chủ yếu lao động trẻ, tuổi nhỡ nhàng như tôi thì họ lại không nhận. Hiện nay, để có thu nhập, tôi hành nghề xe ôm, nhưng dạo này ít khách vì cánh xe ôm “công nghệ” họ thu hút khách nhiều vì giá rẻ” - anh N.Đ.C chia sẻ.

Theo kết quả điều tra về thu nhập, đời sống của CNLĐ trong các DN năm 2017 do Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) tiến hành, hiện có tình trạng khá phổ biến là CNLĐ độ tuổi ngoài 40, đặc biệt là lao động nữ và lao động trong các DN đầu tư nước ngoài rơi vào tình huống: Họ phải nghỉ việc vì sức ép năng suất, định mức lao động cao - cường độ lao động căng thẳng, sức khỏe giảm sút.

Bên cạnh đó, có không ít DN tìm nhiều cách để chấm dứt sử dụng lao động trung niên, như: Chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn; giao kết nhiều HĐLĐ ngắn hạn và chấm dứt khi hết hạn; tạo cớ hoặc sắp xếp lại sản xuất để chấm dứt HĐLĐ, sa thải…

Bình quân độ tuổi CNLĐ trong các DN chỉ là 31,2 trong đó ngành điện - điện tử là 26,9; dệt may, giày da là 29,5; chế biến - chế tạo là 30,9. Thời gian trung bình CNLĐ làm cho DN chỉ là 6 - 7 năm.

                                                                                 Theo Lao động online