Ảnh minh họa 

Dự kiến, những người đã hoàn thành chương trình thực tập 5 năm và đáp ứng một số tiêu chuẩn sẽ được ở lại làm việc thêm tối đa 5 năm nữa.

Theo kế hoạch, một dự luật liên quan sẽ được đệ trình lên Quốc hội trong một phiên họp bất thường vào mùa Thu.

Theo nhật báo Nikkei, thực tập sinh vẫn phải trở về quê nhà sau khi chương trình thực tập kết thúc, sau đó họ mới nộp đơn đăng ký tình trạng cư trú mới.

Ngoài ra, với giấy phép lao động mới và trong trường hợp vượt qua được kỳ kiểm tra, những thực tập sinh có thể nhận được chứng nhận lao động kỹ thuật cao, nhờ vậy, họ sẽ được phép đưa gia đình sang Nhật Bản và gia hạn thị thực.

Giấy phép lao động mới sẽ được cấp trong các lĩnh vực đang thiếu lao động trầm trọng như điều dưỡng, nông nghiệp và xây dựng.

Thống kê cho thấy, năm 2017, tại Nhật Bản, cứ 100 lao động, có 150 cơ hội việc làm, tỷ lệ cao nhất trong bốn thập kỷ.

Tính đến tháng 10-2017, số lao động nước ngoài tại Nhật Bản đã vọt lên 1,28 triệu người, mức cao nhất từ trước đến nay, trong đó, số thực tập sinh kỹ năng vào khoảng 250.000 người.

Thị trường lao động Nhật Bản hiện khá "eo hẹp" khi các công ty đang phải cố gắng khắc phục tình trạng thiếu lao động trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục.

Tuy nhiên, thị trường dù thắt chặt vẫn chưa thúc đẩy mức tăng lương xứng đáng hơn, một vấn đề làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng đưa nền kinh tế Nhật Bản khỏi tình trạng thiểu phát.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đặt mục tiêu lạm phát 2%, coi đây là điều kiện cốt yếu để thúc đẩy nền kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng, đẩy mạnh nhu cầu trong nước là chìa khóa để thúc đẩy lạm phát, và điều này đòi hỏi phải có mức lương cao hơn cho người lao động và loại bỏ những lo ngại về chi tiêu cho phúc lợi xã hội ngày càng tăng trong xã hội đang già hóa nhanh chóng./.


Theo Người Hà Nội