Choi Chang-min, trái, cùng một người bạn. Ảnh: NVCC.

 

"Nếu làm việc ở Hàn Quốc, tôi chỉ có thể kiếm được những nghề đơn giản, như photocopy. Vì thế, tôi đã chọn cách đến Việt Nam để tích lũy kinh nghiệm", Choi Chang-min, 31 tuổi, một người Hàn Quốc nói với VnExpress.

Với hai tấm bằng cử nhân chuyên ngành thương mại quốc tế và tài chính, Choi đang là trợ lý điều hành của một công ty Hàn Quốc tại Hưng Yên, sản xuất và gia công hàng may mặc thời trang cho các hãng lớn trên thế giới. Nhiệm vụ chính của anh là lên kế hoạch sản xuất và kiểm kê hàng hóa.

Choi Chang-min là một trong số gần 400 lao động Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam, theo chương trình K-Move (Bước tiến Hàn Quốc). Đây là một chương trình được chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ, nhằm kết nối thanh niên Hàn Quốc với "những công việc có chất lượng cao" tại 70 quốc gia. K- Move đã giúp tìm việc cho hơn 5.700 sinh viên năm 2018, nhiều hơn gấp ba lần so với 2013, năm đầu tiên chương trình triển khai, theo Reuters.

Theo ông Park Hyung-gi, Phó giám đốc Cơ quan phát triển nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam (HRDS), trong bối cảnh thị trường lao động Hàn Quốc có sự cạnh tranh lớn, chính phủ nước này khuyến khích thanh niên ra nước ngoài tìm việc làm, với phương châm "tiến tới toàn cầu hóa".

Số lượng thanh niên Hàn Quốc đến Việt Nam làm việc tăng dần trong những năm gần đây, khi có nhiều doanh nghiệp Hàn đầu tư tại Việt Nam. Họ mong muốn tích lũy kinh nghiệm ở nhiều ngành nghề. Năm 2018 có 383 người, so với 2016 là 288 người. Ông Park lý giải số lượng lao động Hàn Quốc ở Việt Nam chưa cao do họ chủ yếu làm các vị trí quản lý, kỹ thuật hoặc trợ lý cho tổng giám đốc, không phải lao động phổ thông.

Trên phạm vi toàn cầu, ông Park cho biết những thị trường mà đa phần giới trẻ Hàn yêu thích là Mỹ, Australia, Nhật Bản, Singapore. Trước đây nhiều thanh niên Hàn Quốc đến Trung Quốc làm việc, nhưng sau đó họ chuyển hướng sang Việt Nam.

"Vì có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, Việt Nam là một điểm đến đang nổi lên ở châu Á của thanh niên Hàn", ông Park nói.

Từng đến Thái Lan, Philippines, Malaysia và Myanmar, nhưng Choi Chang-min quyết định chọn Việt Nam để làm việc vì cảm thấy "có nhiều năng lượng hơn". Bắt đầu làm việc tại Việt Nam từ tháng 7/2018, cuộc sống của Choi ở Việt Nam khá dễ chịu, vì hai nước có văn hóa tương đồng. Đôi lúc anh gặp khó khăn trong giao tiếp do tiếng Việt chưa thuần thục.

"Có hai vấn đề tôi mong Việt Nam cải thiện để trở thành thị trường lao động hấp dẫn hơn. Đó là nhà chức trách nên thông báo sớm cho doanh nghiệp trước khi đưa ra những thay đổi về thủ tục và tăng cường đào tạo để lao động Việt Nam tuân thủ nghiêm túc các quy định", Choi nói về môi trường làm việc.

Hai thanh niên Hàn Quốc tìm kiếm thông tin tại một trung tâm xúc tiến việc làm. Ảnh: SCMP.

Cũng chọn Việt Nam là nơi làm việc từ 2018, Ku Bo-reum, 24 tuổi, đang là kỹ sư phụ trách về kiến trúc của một công ty xây dựng và trang trí nội thất có chi nhánh tại Hải Dương. Cô có bằng cử nhân chuyên ngành kiến trúc, từng làm bán thời gian tại Uniqlo và H&M.

"Nhiều bạn bè tôi nói rằng Việt Nam là vùng đất của cơ hội, vì chúng tôi có thể có nhiều trải nghiệm ở một nền kinh tế đang lên để rèn luyện", Ku nói.

Cô gái này dự định làm việc ở Việt Nam khoảng ba năm, sau đó sẽ chuyển tới nước khác như Hà Lan hoặc New Zealand để tiếp tục phát triển sự nghiệp. Hiện tại, Ku cảm thấy mình phải trả thuế thu nhập khá cao (gần 30% thu nhập) và cô mong Việt Nam có thể điều chỉnh quy định thuế dành cho người nước ngoài.

Theo ông Park Hyung-gi, chính phủ Hàn Quốc mong muốn thúc đẩy chương trình K-Move để tăng số lượng lao động tại Việt Nam. Ông khuyến cáo Việt Nam nên thể hiện rõ tầm nhìn phát triển, quảng bá rộng rãi về việc "Việt Nam đang cần gì" để thu hút thanh niên Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, đường sá, hệ thống công nghệ thông tin để nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đến. Ông Park bày tỏ tin tưởng hợp tác kinh tế Việt - Hàn sẽ tăng nhanh chóng vì hai nước đang có mối quan hệ tốt đẹp.

Khác với Ku Bo-reum, Choi Chang-min cho biết anh xác định sẽ làm việc ở Việt Nam trong một thời gian lâu, khoảng 5 đến 10 năm. Choi cho rằng Việt Nam sẽ sớm trở thành nền kinh tế mạnh trong khu vực.

"Tôi không có ý định đến nước khác vì muốn trang bị thêm cho mình các kỹ năng cần thiết ở Việt Nam và tích lũy vốn. Sau đó tôi có thể tự mở một doanh nghiệp của riêng mình", Choi nói.

Theo vnexpress