Tạo cơ hội việc làm tốt cho phụ nữ
 
Tỷ lệ người dân tại độ tuổi làm việc tăng đáng kể do phụ nữ được giáo dục và có năng lực, trình độ ngày một tăng, phát triển công nghệ và quá trình công nghiệp hóa. Thêm vào đó các yếu tố kinh tế cũng ảnh hưởng tới số lượng phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động. Theo Kế hoạch phát triển trung hạn của Indonesia giai đoạn 2015-2019, Chính phủ Indonesia dự kiến sử dụng 4 chiến lược tương trợ lẫn nhau gồm: Xây dựng một nền tảng bền vững cho tăng trưởng kinh tế dẫn đến nhiều cơ hội việc làm chất lượng cho phụ nữ; thiết lập một hệ thống an sinh sinh xã hội toàn diện; thúc đẩy sinh kế bền vững; tăng cường và mở rộng các dịch vụ xã hội cơ bản.


Đối với phụ nữ trong lực lượng lao động, Bộ Bảo vệ Trẻ em và Quyền lợi phụ nữ đang thiết kế các chính sách can thiệp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính của phụ nữ cũng như khả năng tiếp cận với đào tạo, thị trường và thông tin. Trong đó, Bộ này tập trung vào các nhân tố vi mô và doanh nghiệp nhỏ thu hút 60% lao động cả nước và đóng góp 56% vào GDP cả nước, trong đó phụ nữ chiếm 70% nhân lực của lĩnh vực này. Bộ đã có một chương trình khởi đầu của ngành công nghiệp tiểu thủ công hiện đang được triển khai tại 21 quận thí điểm với tổng số hơn 3.000 phụ nữ. Dựa trên đánh giá và giám sát, chương trình thực tế đã giúp tăng thu nhập của phụ nữ và phúc lợi gia đình cũng như kinh tế bền vững.
 
Chương trình hướng đến việc tạo cơ hội cho phụ nữ và các bà nội trợ một cách sáng tạo, không chỉ cấp tiền làm vốn mà còn giúp xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc giúp họ nâng cao năng lực. Phụ nữ sẽ có cơ hội tham gia hoạt động quản lý tài chính, khởi nghiệp và thúc đẩy quá trình sản xuất. Khi có nguồn thu nhập ổn định tại địa phương, phụ nữ không phải di cư tìm việc làm ở nơi khác.
 
Bên cạnh đó, năng suất lao động và phong trào nữ công nhân (GP2SP) là nỗ lực của chính phủ, cộng đồng cũng như người sử dụng lao động, các tổ chức công đoàn/thương mại nhằm huy động và tham gia vào việc nâng cao nhận thức và hiện thực hóa các nỗ lực cải thiện sức khỏe nữ công nhân/ lao động nữ để tăng năng suất lao động và chất lượng của các thế hệ tương lai. GP2SP khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn cho đến khi trẻ được 2 tuổi; triển khai các chương trình sức khỏe sinh sản; triển khai hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng của nữ công nhân; phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm; nỗ lực cải thiện môi trường làm việc.
Từ năm 2012 đến nay, GP2SP đã được triển khai tại hơn 370 công ty. Để có thể thúc đẩy và tối ưu hóa hoạt động triển khai GP2SP, một hiệp định chung đã được ký ngày 18/1/2017 giữa Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Việc làm và Bộ Bảo vệ Trẻ em và Quyền lợi phụ nữ.
 
Cải thiện đời sống các gia đình nghèo
 
Chương trình “Gia đình hy vọng” hướng đến mục tiêu cải thiện phúc lợi cho các hộ gia đình cực nghèo thông qua việc cung cấp cho họ cơ chế Chuyển tiền mặt có điều kiện hàng quý (CCT). Chương trình này được thiết kế nhằm phá vỡ chu kỳ đói nghèo thông qua việc cung cấp cho các gia đình nghèo quyền tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ công và dự kiến sẽ cải thiện sức khỏe và giáo dục của con cái họ theo thời gian.
 
Từ năm 2007, Indonesia đã triển khai chương trình “Gia đình hy vọng” bao quát 500 nghìn gia đình thuộc loại nghèo cùng cực và đến nay, con số này đã lên tới 10 triệu gia đình. Chương trình hướng tới các hộ gia đình có phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ,  người cao tuổi, người khuyết tật với các tiêu chí liên quan đến giáo dục và sức khỏe.

  

Chỉ số thống kê của Indonesia cho thấy chương trình “Gia đình hy vọng” có tác động lớn trong việc giảm nghèo đói bởi từ con số 10,64% năm 2016 đã giảm xuống 10,12%. Thêm vào đó, chương trình hỗ trợ giảm mức độ bất bình đẳng và tỷ lệ thất nghiệp. Chỉ số phát triển con người cũng tăng 0,61% khi chương trình thúc đẩy tăng tỷ lệ trẻ em nhà nghèo được đi học và đạt nhiều thành tích học tập tốt hơn.
 
Bên cạnh đó, chương trình “Phúc lợi xã hội cho trẻ em” (PKSA) được thiết kế nhằm hỗ trợ các quyền và nhu cầu của trẻ em nghèo, dễ tổn thương. Từ năm 2011 đến 2017, chương trình đã giúp được 1.025.496 trẻ em được tiếp cận giáo dục, dinh dưỡng, giấy khai sinh, tài chính… PKSA không chỉ tập trung vào trẻ em mà còn các hộ gia đình nhằm bảo vệ quyền được nuôi dưỡng của trẻ tại gia đình và cộng đồng.
 
Còn chương trình “Gia đình lao động nhập cư” cung cấp quyền lợi về kinh tế cho lao động nhập cư, tang cường sự bền vững của gia đình và đảm bảo con em họ. Từ năm 2017, với sự hợp tác của Bộ Nhân lực,  chương trình đã được phối hợp triển khai tại làng lao động nhập cư với mục tiêu rộng hơn đạt 120 làng năm 2017 và 130 làng năm 2018. 

Theo Phunuvietnam.vn