Ảnh minh họa

Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động & Xã hội cho rằng, quý IV.2017, kinh tế tiếp tục khởi sắc với mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua (7,7%), chủ yếu do đóng góp từ sự tăng trưởng của ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp chế biến - chế tạo. Số doanh nghiệp mới và tổng số DN hoạt động tăng đã góp phần gia tăng số người có việc làm và giảm thất nghiệp.

Quý IV.2017, tình hình thất nghiệp giảm cả về số lượng và tỉ lệ. Cụ thể, thất nghiệp ở nhóm thanh niên và nhóm lao động có trình độ đại học trở lên giảm so với quý III.2017. Quý IV.2017, cả nước có hơn 1 triệu lao động trong độ tuổi thất nghiệp, giảm 3.600 người so với quý 3. Tuy nhiên, cả nước vẫn có 215.300 người có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp, trong khi đó nhóm trình độ cao đẳng có 78.800 người thất nghiệp, giảm 6.000 người so với quý trước.

Ngoài ra, nhóm có trình độ sơ cấp nghề thất nghiệp chỉ bằng 15% con số đại học trở lên. Con số này cho thấy khả năng tìm kiếm việc làm cao hơn của nhóm có trình độ sơ cấp nghề. Theo thống kê của mạng việc làm Jobstreet Việt Nam, 90% đối tượng mới tốt nghiệp đại học không bằng lòng với công việc đang làm, 55% trong số này cho biết, lý do là vì công việc không mang lại hướng đi sự nghiệp rõ ràng.

Cơ cấu thất nghiệp dài hạn của quý IV.2017 so với cùng kỳ năm ngoái giảm khá nhiều, từ mức 31,6% xuống còn 24,8%. Ông Vinh giải thích, tỷ lệ này cho thấy cứ 100 người thất nghiệp có 24,8 người thất nghiệp dài hạn trên 12 tháng.

Bộ LĐTBXH dự báo trong năm 2018, cùng với những nỗ lực trong cải tạo môi trường - thể chế, thị trường lao động cũng có chuyển biến tích cực: quan hệ lao động ổn định; doanh nghiệp chú trọng tới chính sách tiền lương, tiền thưởng, chính sách phúc lợi xã hội;… Nỗ lực này sẽ giúp triển vọng của thị trường lao động trong năm 2018 chuyển biến khá tốt đẹp.

Theo Lao động