Tại Hội thảo, các chuyên gia của Đức và Việt Nam đã chia sẻ về những vấn đề liên quan đến Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SGDs); chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc, tiếp cận dựa trên quyền có đáp ứng giới và các mục tiêu phát triển bền vững - một số khuyến nghị…; bảo vệ lao động nữ nhằm mục tiêu bình đẳng giới trong pháp luật lao động Việt Nam; Tác động của công việc chăm sóc không lương tới sự tham gia thị trường lao động của phụ nữ; Đảm bảo quyền bình đẳng cho lao động nữ di cư từ nông thôn ra thành phố; Chính sách đối với lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Bất bình đẳng giới trong tuyển dụng lao động…

 Theo ông Erwin Schweisshelm: "Phong trào phụ nữ ở Đức đấu tranh rất mạnh để đạt được bình đẳng giới trong 2 vấn đề về chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc và quyền của người lao động trong khung khổ các mục tiêu phát triển bền vững"

Ông Erwin Schweisshelm - Trưởng đại diện Viện Friedrich Ebert Stiftung (FES) tại Việt Nam - cho biết: “Có 2 vấn đề cần được đặc biệt nhấn mạnh trong Hội thảo này, đó là về vấn đề chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc và vấn đề khía cạnh giới và quyền của người lao động trong khung khổ các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đây vốn là 2 chủ đề được trao đổi rất nhiều ở Việt Nam và Đức.

Để thảo luận sâu hơn về 2 vấn đề trên, bà Christa Randzio Plath - Chủ tịch Hiệp hội Marie Schelei Verein - nguyên Nghị sĩ Nghị viện Châu Âu - đã chia sẻ về “Chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc tại Đức”, trong đó nhấn mạnh đến tình trạng quấy rối tình dục với phụ nữ tại nơi làm việc. 

Theo bà Christa Randzio Plath: "Tại Đức, việc chống quấy rối tình dục ở nơi làm việc được thể hiện rất rõ trong Luật bảo vệ người lao động. Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bảo vệ họ; phải để nơi làm việc trở thành môi trường an toàn cho tất cả mọi người lao động (đặc biệt là lao động nữ); Quấy rối tình dục tại nơi làm việc phải bị cấm và tăng cường nghĩa vụ bảo vệ người lao động; Có quy định sự bảo vệ không chỉ giới hạn tại văn phòng, tòa nhà, cơ quan doanh nghiệp trong hoặc thời gian làm việc, luật còn cấm tất cả các hình thức quấy rối có thể xảy ra trong quan hệ lao động, bao gồm các chuyến đi công tác, trên đường đi tới nơi làm việc, các cuộc hội hè của cơ quan, doanh nghiệp, các chuyến dã ngoại do cơ quan doanh nghiệp tổ chức, giờ nghỉ giải lao, các tin nhắn, e-mail, các cuộc điện thoại…; Đưa ra 3 quyền cơ bản của nạn nhân bị quấy rối trong Luật bảo vệ người lao động bao gồm quyền được khiếu nại, quyền từ chối làm việc và quyền được đòi đền bù và bồi thường thiệt hại…;  Việc sa thải vô thời hạn đối với người quấy rối là được phép…”.

Về phía học giả Việt Nam, bà Dương Kim Anh, Phó Giám đốc - Trưởng khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam, đã có những chia sẻ về “Tiếp cận dựa trên quyền có đáp ứng giới và các mục tiêu phát triển bền vững - Một số khuyến nghị cho Việt Nam”.

Bà Dương Kim Anh đã có những khuyến nghị về việc thúc đẩy thực thi các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam, trong đó tập trung: “Tiếp cận các mục tiêu từ góc độ dựa trên quyền có đáp ứng giới; Cần tuyên truyền rộng rãi hơn nữa các mục tiêu phát triển bền vững trên website Chính phủ, cơ quan đại diện ngoại giao và các phương tiện thông tin đại chúng; Cần xác định các mục tiêu, chỉ tiêu trọng tâm cần thực hiện theo thời gian cụ thể, gắn với trọng tâm phát triển quốc gia thay vì thực hiện nhiều mục tiêu cùng một lúc và thiếu điểm nhấn cụ thể; Tăng cường giám sát đánh giá việc thực hiện các mục tiêu khác qua từng năm…”.

Hội thảo “Khía cạnh giới và quyền của người lao động trong khung khổ các mục tiêu phát triển bền vững” được đồng tổ chức bởi Học viện Phụ nữ Việt Nam và Viện FES - Cộng hòa Liên bang Đức. Theo ông Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam: “Hội thảo đã là cơ hội để các chuyên gia, học giả làm rõ được những vấn đề liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững, trong đó bảo đảm quyền của người lao động, chia sẻ những kinh nghiệm của 2 nước Đức và Việt Nam, phân tích chính sách luật pháp của 2 nước trong việc đảm bảo quyền của người lao động; đưa ra nhiều ý kiến, khuyến nghị để Việt Nam có thể thúc đẩy quyền của người lao động, đặc biệt là lao động nữ… theo nguyên tắc thúc đẩy công bằng xã hội, hướng tới một xã hội văn minh, phát triển bền vững”.


Theo Phunuvietnam.vn